Trên 100 đại biểu là các cựu chiến binh Xô viết, thân nhân của những người lính đã hy sinh, thành viên các tổ chức đoàn thanh niên và sinh viên ưu tú đã tham gia buổi lễ.
Chiếm gần một nửa dung lượng cuốn sách là 260 trang hồi ức của các cựu chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác tại Việt Nam, trong đó một số hồi ký đã được dịch sang tiếng Việt như Hồi ký “Vĩ tuyến Hà Nội” của đại tá Vladimir Bulgakov.
Xen lẫn giữa các trang hồi ký là hàng chục bức ảnh phản ánh trung thực và sinh động những gì đã được mô tả và kể lại.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga từng công tác tại Việt Nam, ông Nikolai Kolesnik cũng đóng góp gần 100 trang hồi ức về những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời binh nghiệp của ông, đặc biệt là những năm tháng công tác tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nikolai Kolesnik cho biết với sự giúp đỡ của Liên Xô, lực lượng tên lửa phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được xây dựng và phát triển, lập nên nhiều kỳ tích, góp phần vào chiến thắng của Việt Nam trước quân xâm lược.
Mặc dù tuổi cao sức yếu, song các chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác tại Việt Nam đều nhớ rất rõ những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ họ được kề vai sát cánh với nhân dân Việt Nam đánh đuổi giặc xâm lược. Không ít người trong số đó cho biết Việt Nam luôn trong trái tim và là tổ quốc thứ hai của họ.
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, những người có mặt đã được thưởng thức một số tiết mục văn nghệ do chính các cựu chiến binh Xô viết biểu diễn, trong đó có 2 bài hát tiếng Nga về Quân đội Nhân dân Việt Nam gồm “Bài ca về những người lính tên lửa Việt Nam” được phổ nhạc từ chính lời thơ của ông Nikolai Kolesnik và bài hát “Bản nhạc valse mang tên Việt Nam” do một quân nhân Nga phổ nhạc và trình bày.