Tiếp tục ngày thảo luận thứ 2 tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2013, các đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm nhiều đến vấn đề giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cũng trong buổi thảo luận, một số bộ trưởng, trưởng ngành đã làm rõ hơn một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội còn nhiều tranh luận.
Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp
Đề cập đến những thách thức và những yếu kém của nền kinh tế hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng: Doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn; hàng tồn kho lớn, trong khi hàng nhập lậu vẫn xuất hiện tràn lan; nợ xấu ngân hàng vẫn là bài toán chưa có lời giải; DN khó tiếp cận nguồn vốn vay; thị trường bất động sản (BĐS) chưa phục hồi, tái cơ cấu kinh tế mới chỉ bắt đầu…
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng có những giải pháp điều hành, khắc phục, tháo gỡ những điểm ách tắc của nền kinh tế, khôi phục ổn định và phát triển sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng năm 2013 là hợp lý. Tuy nhiên, cần đánh giá đúng tình hình năm 2012. Các vấn đề bất ổn cơ bản đã được kiềm chế và đã duy trì ổn định hơn, Chính phủ đã thống nhất sự chỉ đạo, điều hành. Chính phủ và các cơ quan liên quan cần đánh giá sâu sắc hơn về nguyên nhân kết quả những mục tiêu đạt được và không đạt được; đánh giá những nhân tố tác động vào sự tăng trưởng, tác động của chính sách tài khóa tiền tệ cả tích cực và tiêu cực đối với sức chịu đựng của nền kinh tế.
Chia sẻ với những quan ngại của các đại biểu Quốc hội đối với những khó khăn của DN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, hệ thống ngân hàng phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiệm vụ gia nợ, giãn nợ cho các tổ chức tín dụng, từ tháng 4 đến nay, đã có 36.000 tỷ đồng nợ xấu được gia nợ, giãn nợ. NHNN cũng đang phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều buổi giao lưu với DN, ngân hàng thương mại để tìm hiểu những khó khăn cụ thể của từng DN, ngân hàng cụ thể, để có biện pháp tháo gỡ.
Thông tin thêm về công tác quản lý thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay, tình trạng vàng hóa nền kinh tế đã bị đẩy lên rất cao, tạo ra sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN cương quyết thực thi nhiều biện pháp mạnh chống đôla hóa và vàng hóa nền kinh tế. Theo Thống đốc, hiện không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng. Mặc dù giá vàng biến động lớn nhưng tỷ giá vẫn hoàn toàn ổn định. Đến nay, tính thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện; giảm được lãi suất, bước đầu ngành ngân hàng đã có dấu hiệu tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu.
Đẩy nhanh giải quyết hàng tồn kho
Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu về việc cần tập trung giải quyết hàng tồn kho, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần đánh giá cụ thể, phân loại chi tiết hàng tồn kho để có phương án giải quyết, bởi đây cũng chính là biểu hiện nợ xấu của ngân hàng. Thống đốc khẳng định, đến cuối năm nay, đối với những ngân hàng không trích lập dự phòng rủi ro, NHNN sẽ không chấp thuận cho chia cổ tức. NHNN sẽ thanh tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo lấy lợi nhuận của ngân hàng phục vụ cho giải quyết nợ xấu.
Nhấn mạnh giải quyết hàng tồn kho trong lĩnh vực BĐS đang là một yêu cầu cấp bách để khơi thông thị trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định quyết tâm trong việc phối hợp cùng với NHNN mở rộng tín dụng cho nhà đầu tư, người đầu tư BĐS, nhất là lĩnh vực nhà ở xã hội.
Đề xuất những giải pháp nhằm “phá băng” thị trường quan trọng này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, thị trường BĐS hiện đóng băng, rất ít giao dịch. Tuy nhiên, một bộ phận lớn người dân, nhất là người thu nhập thấp vẫn thiếu nhà ở. Hiện có khoảng 230.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS (trong đó 6% là nợ xấu). Thực trạng này dẫn đến nhiều ngành sản xuất đình trệ, nhất là vật liệu xây dựng, thép, từ đó cũng ảnh hưởng đến an toàn ngành ngân hàng.
Bộ Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm trong việc tăng cường kiểm soát, thống nhất lại quy hoạch. Bộ sẽ đề nghị các địa phương, nhất là hai thành phố lớn tập trung rà soát các dự án BĐS không đáp ứng quy hoạch, kiên quyết cho dừng hoặc yêu cầu các chủ đầu tư phải cơ cấu lại dự án; tạo điều kiện cho các dự án nhà ở xã hội theo Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tăng lương tối thiểu thêm 100.000 đồng/tháng
Giải đáp thắc mắc của nhiều đại biểu liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, để có thể tăng lương theo lộ trình (thời điểm 1/5/2013), dự kiến cần phải có 60.000-65.000 tỷ đồng. Điều này là vượt quá khả năng cân đối ngân sách trong năm 2013 do thu ngân sách 2012 đạt thấp và có thể không đạt dự toán, mức thu năm 2013 cũng rất khó khăn. Trước tình hình đó, Chính phủ dự kiến báo cáo Quốc hội chỉ thực hiện tăng lương tối thiểu cho cán bộ nghỉ hưu, người có công và trợ cấp khó khăn cho cán bộ công chức có hệ số tiền lương thấp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ. Ảnh: An Đăng-TTXVN |
Tuy nhiên, qua thảo luận của các đại biểu Quốc hội và để đáp ứng nhu cầu của người hưởng lương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, dự kiến trình Quốc hội quyết định phương án tăng lương ngay sau khi xem xét, quyết định dự toán ngân sách 2013 với phương án tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công ở mức 100.000 đồng/tháng bắt đầu từ 1/7/2013.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho biết thêm: Để thực hiện mục tiêu tăng lương, đảm bảo cân đối mục tiêu tăng trưởng năm 2013 là 5,5% GDP, sẽ phải giảm mức đầu tư công đảm bảo cao hơn mức bội thu ngân sách; đồng thời, phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2013, tiết kiệm thu ngân sách 10%, giảm bớt thu ngân sách... Đây là phương án tích cực và khả thi nhất, Chính phủ cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức 7-8% năm.
Cũng trong phiên họp sáng nay, thông tin về tình hình thủy điện Sông Tranh 2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết, sau khi tích nước và vận hành, đã xuất hiện thấm ở công trình đập với mức thấm vượt tiêu chuẩn cho phép và xuất hiện động đất do tác động của hồ chứa. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã thuê công ty nước ngoài đánh giá và kết luận đập được thiết kế đúng tiêu chuẩn, không có dấu hiệu cho thấy mất an toàn của đập.
Tuy nhiên, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho dân là mục tiêu số 1, Chính phủ đã quyết định không tích nước mùa lũ năm nay tại công trình thủy điện này. Đi kèm với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan có phương án phòng chống lụt bão xung quanh khu vực công trình.
Bảo đảm chi ngân sách cho an sinh xã hội
Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.
Các đại biểu nhất trí với nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về bối cảnh kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN; đồng thời đề nghị, cần đánh giá tổng quát, cụ thể về tác động, bất cập phát sinh và kết quả của việc triển khai thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, đặc biệt là chính sách miễn, giảm, giãn thuế trên diện rộng, chính sách cắt giảm đầu tư công để làm căn cứ cho việc hoạch định chính sách trong những năm sau.
Nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội khó khăn, thu NSNN năm 2012 có khả năng chỉ đạt dự toán và đồng tình với nhận định của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về những nguyên nhân khiến kết quả thu NSNN năm 2012 chưa đạt ở mức kỳ vọng. Trong bối cảnh thu cân đối NSNN gặp nhiều khó khăn, thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, việc Chính phủ giữ mức bội chi NSNN là 4,8% GDP như Quốc hội đã quyết định đã là cố gắng lớn.
Cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát về NSNN năm 2013, các đại biểu cho rằng, đây là năm bản lề trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015. Theo đánh giá của nhiều đại biểu, năm 2013, tình hình thu, chi NSNN tiếp tục khó khăn; các cân đối lớn trở nên bức xúc, gay gắt khi nhu cầu chi tiêu quá lớn, khả năng đáp ứng của NSNN lại quá hạn hẹp. Do đó, Chính phủ cần làm rõ quan điểm, định hướng việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2013 để có phương án xây dựng dự toán NSNN phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải dành một khoản từ tiết kiệm chi tiêu để khắc phục bớt khó khăn của các đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí, cán bộ công chức hưởng lương thấp. Trong bối cảnh cân đối NSNN năm 2013 gặp nhiều khó khăn, việc điều chỉnh lương có thể chưa thực hiện được song cũng phải tiết kiệm chi để dành một số tiền cho việc nâng mức hưởng vốn đang rất ít ỏi của những đối tượng này.
Theo đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), trong điều kiện nguồn thu hiện nay, những người thu nhập thấp, người về hưu sẽ gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị cân nhắc về việc tăng lương, chỉ tập trung điều chỉnh đối với những người nghỉ hưu, trợ cấp đối với người có công và hỗ trợ những người hưởng lương thấp. Phần dành cho cải cách tiền lương chỉ thực hiện từ việc cắt giảm các khoản chi chưa thật bức xúc như chi lễ hội, chi đoàn ra, mua sắm ô tô, xây dựng trụ sở.
Đồng tình việc Chính phủ tăng chi đầu tư cho các xã nghèo, huyện nghèo, các chương trình đặc biệt khó khăn, nhất là chương trình an sinh xã hội, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) kiến nghị cần tăng cường bố trí chi cho địa phương, giảm chi ở các bộ, ngành Trung ương; tăng chi cho đầu tư, giảm tối đa chi cho hành chính sự nghiệp. Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phân bổ NSNN để giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng cựu thanh niên xung phong tham gia kháng chiến.
Liên quan đến việc phân bổ vốn ngân sách chi một số chương trình thực hiện chính sách dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, đại biểu Danh Út đề xuất: Chính phủ tách riêng hai chương trình 135 giai đoạn 3 và chương trình hỗ trợ 69 huyện nghèo, giao cho cơ quan chủ quản quản lý; bố trí vốn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vào chương trình 134 giai đoạn 3 và chương trình định canh định cư.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ ngân sách năm 2013, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) kiến nghị: Nghiêm khắc với tình trạng chi vượt dự toán, thực hiện nghiêm các kết luận kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra; nghiên cứu sửa đổi Luật Kiểm toán; làm rõ hơn nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí, chống buôn lậu. Bên cạnh đó, tháo gỡ những vướng mắc gây ách tắc trong phân bổ ngân sách; tăng cường thực hiện giám sát về ngân sách.
Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đề nghị khắc phục tình trạng giao vốn chậm trong thời gian tới bởi theo đại biểu “đồng vốn của Trung ương rất quý, như dòng nước mát tưới cho vùng đất khô hạn, nhất là các tỉnh nghèo”. Đại biểu tán thành các nguyên tắc phân bổ ngân sách 2013 nhưng để đảm bảo cơ cấu vùng miền, đề nghị xem xét, bổ sung thêm tiếp tục ưu tiên miền núi, biên giới và hải đảo để hỗ trợ giải quyết một số vấn đề thiết yếu trong dân. Đại biểu Nguyễn Thế Tuy (Lạng Sơn) cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới các tỉnh biên giới, hải đảo bởi đây là “phên dậu” của Tổ quốc.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã giải trình thêm một số vấn đề về bố trí vốn đầu tư phát triển năm 2012; phát hành trái phiếu Chính phủ; chương trình mục tiêu quốc gia... Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại cách bố trí vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao hơn nữa hiệu quả. Trong các chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ vốn sự nghiệp rất lớn nên không có nguồn lực để cân đối.
TTN