Bên lề Hội nghị trực tuyến tập huấn về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014 - 2015 ngày 18/3, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trả lời phỏng vấn TTXVN về những nội dung liên quan đến cuộc Tổng rà soát lần này. Báo Tin tức xin trân trọng giới thiệu nội dung phỏng vấn.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
* Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của việc lần đầu tiên sau chiến tranh chúng ta thực hiện cuộc tổng rà soát chính sách cho người có công trong cả nước?Như chúng ta biết, ngày 27/10/2013 Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 23 về tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015. Việc Thủ tướng ra Chỉ thị vào cuối năm 2013 không phải là điều ngẫu nhiên mà một mặt thể hiện trách nhiệm của Chính phủ với nhân dân và những người có công với cách mạng, với những đóng góp hy sinh của người có công trong suốt hai cuộc kháng chiến. Mặt khác, hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cần khẳng định trước nhân dân: Chính sách đối với người có công đã được thực hiện như thế nào, đúng-sai, thiếu sót chỗ nào để tháo gỡ, khắc phục ?
Sau khi rà soát, giải quyết, bổ sung những trường hợp lẽ ra được hưởng; đưa khỏi danh sách đối tượng hưởng không đúng. Về lâu dài, nếu phát hiện những chính sách chưa hợp lý hoặc quy trình tổ chức, xem xét, công nhận, giải quyết chính sách người có công có mặt chưa phù hợp sẽ kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh. Do đó, việc tổng rà soát lần này vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài nhằm đáp ứng được tình cảm, sự mong đợi của nhân dân cũng như người có công.
*Đồng chí có thể cho biết hiện tiến độ chuẩn bị tổng rà soát đã được triển khai đến đâu ?Sau khi Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, ngày 5/12/2013, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp triển khai thực hiện việc tổng rà soát; chương trình phối hợp truyền thông với Bộ Thông tin-Truyền thông trong hai năm.
Hội nghị trực tuyến tập huấn cho cán bộ lãnh đạo ngành Lao động 63 tỉnh, thành phố, cán bộ của 6 đoàn thể tham gia tổng rà soát là Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Hỗ trợ gia đình thân nhân liệt sĩ và Hội Nạn nhân chất độc da cam từ Trung ương đến cấp tỉnh được tổ chức hôm nay cũng nhằm tiếp thu ý kiến để đến cuối tháng 3/2014 sẽ có hướng dẫn mới hoàn thiện hơn triển khai thực hiện trong cả nước.
Có thể nói, sau Hội nghị này, từ Trung ương đến địa phương đã sẵn sàng triển khai tổng rà soát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
*Thưa đồng chí, việc kê khai, rà soát sẽ được thực hiện và giám sát như thế nào để thực sự nghiêm túc, ngăn chặn tiêu cực, trục lợi và đạt được kết quả chính xác ?Để giảm thiểu việc lập danh sách sai, theo hướng dẫn, mặt sau phiếu rà soát của 7 đối tượng đều ghi rõ tiêu chuẩn để đối chiếu với các chính sách; tài liệu hướng dẫn cũng được đăng tải trên website thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trong quá trình rà soát, phải bám sát những quy định, văn bản chính sách để làm đúng quy định và coi trọng khâu tập huấn chính sách.
Có nhiều đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi nhưng đợt này chỉ rà soát tập trung vào 7 đối tượng với khoảng hơn 4 triệu người. Số người diện rà soát rất phong phú nên không chỉ một tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ chịu trách nhiệm rà soát cả 7 đối tượng mà phân công mỗi tổ chức rà soát một đối tượng hẹp.
Cụ thể, Hội Phụ nữ chỉ rà soát thực hiện chính sách với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thân nhân liệt sĩ; Hội Cựu chiến binh là lực lượng chủ lực rà soát với đối tượng là thương binh, bệnh binh; Hội nạn nhân chất độc da cam tập trung rà soát đối tượng là nạn nhân chất độc da cam...
Ngoài ra, việc tổng rà soát cũng được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất trong tháng 4,5/2014, mỗi huyện chỉ làm điểm tại một xã để rút kinh nghiệm về nội dung phiếu khảo sát, quy trình rà soát, từ đó, kịp thời chấn chỉnh những bất cập, thiếu sót.
Lâu nay việc quản lý thực hiện chính sách là chính quyền làm lần này người rà soát lại là đoàn thể, qua đó mới đảm bảo được tính khách quan. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính khách quan, tiêu chuẩn, danh sách ban đầu ở các xã, khu dân cư sẽ được công bố công khai ở địa bàn, có thể phát trên loa hoặc dán ở trụ sở ủy ban, ... để người dân có thể xem và giám sát. Ngành Lao động- Thương binh- Xã hội sẵn sàng trả lời những thắc mắc, băn khoăn của người trong cuộc.
* Khó khăn lớn nhất trong thực hiện Tổng rà soát lần này là gì và phương hướng tháo gỡ khó khăn để đạt được mục tiêu, thưa đồng chí ?Tổng rà soát là việc khó song không thể vì khó mà không làm, phải làm với quyết tâm cao. Muốn tổng rà soát, phải đến từng hộ thuộc diện người có công đang hưởng và cả những hộ thuộc diện tiềm năng mà chưa được hưởng chính sách, trong khi ở các xã chỉ có một cán bộ phụ trách văn hóa xã hội theo dõi nên sẽ không bao giờ làm được. Đây là tình trạng kéo dài suốt nhiều năm qua.
Để giải quyết vấn đề nhân lực, cần dựa vào các tổ chức chính trị xã hội và những tổ chức gắn bó, hiểu biết nhất định với người có công; sử dụng lực lượng xã hội - những người có ý thức chính trị cao tham gia rà soát. Tổng rà soát huy động các đoàn thể tham gia, việc xử lý kết quả rà soát là trách nhiệm của ngành Lao động – Thương binh & Xã hội và chính quyền địa phương.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất mong các cơ quan truyền thông tham gia phản ánh những khó khăn, những cách làm tốt, mở chuyên mục để tiếp nhận các câu hỏi, kiến nghị của người dân. Trong 4 tháng tới, các cuộc đối thoại sẽ được tổ chức rộng mở để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc phát sinh.
Chúng tôi khẳng định qua đợt tổng rà soát này, nhận thức và đánh giá về thực hiện chính sách đối với người có công sẽ định lượng hơn, khoa học và thực tiễn hơn đồng thời góp phần đem lại niềm tin cho nhân dân đối với xã hội, tôn vinh và thể hiện nghĩa tình với người có công với đất nước.
* Trân trọng cảm ơn đồng chí!Thanh Hòa(thực hiện)