Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập 4 phường Hoàng Quế, Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ thuộc thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương). Các đại biểu thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
Thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập 4 phường Hoàng Quế, Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ thuộc thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập 4 phường thuộc thị xã Đồng Triều. Đa số các ý kiến đều cho rằng, thành lập 4 phường là phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa cao, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Các xã dự kiến thành lập phường đều có diện tích và dân số đạt tiêu chuẩn, điều kiện thành lập phường theo quy định tại Nghị quyết số 1211, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phù hợp với chủ trương của Đảng về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đã bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để có cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập 4 phường Hoàng Quế, Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ, thuộc thị xã Đồng Triều (tỉnh Quảng Ninh), Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan trình đề án là UBND tỉnh Quảng Ninh giải trình thêm 5 nội dung: Số liệu các tiêu chuẩn đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng áp dụng đối với 4 xã; số liệu thu, chi ngân sách của xã Hồng Phong; việc phát triển đô thị đến năm 2030 của thị xã Đông Triều; đào tạo, bồi dưỡng và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức các xã; số liệu diện tích tự nhiên của tỉnh Quảng Ninh. Một số đại biểu đề nghị đơn vị trình đề án cần làm rõ, cụ thể hơn tác động của Đề án đến đời sống nhân dân và môi trường, đặc biệt việc thu hồi đất ảnh hưởng như thế nào đến đời sống nhân dân; bố trí tái định cư; xử lý chất thải rắn…
Thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương), tại hội nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật và các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn. Các xã, thị trấn và huyện Kinh Môn đều đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện thành lập phường và thị xã theo quy định. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đã đáp ứng đủ quy định của pháp luật. Điều này cũng phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt, với nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Kinh Môn nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị đơn vị đơn vị trình đề án là UBND tỉnh Hải Dương làm rõ thêm một số vấn đề. Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, huyện Kinh Môn là địa phương tập trung nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn như: Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát, Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương… Hoạt động của các nhà máy này đều ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống của người dân ở địa bàn.
Tuy nhiên, Đề án chưa thể hiện rõ tình hình ô nhiễm môi trường của khu vực, cũng chưa đề ra các giải pháp hạn chế tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất công nghiệp đến môi trường. Đề án mới chỉ đề cập đến các nội dung về thu gom, phân loại rác thải và xây dựng nhà máy xử lý nước thải mà chưa thể hiện rõ được về các biện pháp xử lý rác thải.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cơ quan trình đề án làm rõ thêm những vấn đề khác như: Định hướng phát triển thị xã Kinh Môn; việc xây dựng, bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng Công an chính quy sau khi thành lập các phường thuộc thị xã Kinh Môn. Các giải pháp về tái định cư, giải quyết việc làm cho các hộ dân phải di dời, giải tỏa để thực hiện Đề án cũng được các đại biểu đề nghị cơ quan trình đề án giải trình thêm.
Liên quan đến Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của huyện Sa Pa như Đề án của Chính phủ trình. Ngoài ra, Đề án này đã giảm được 2 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Sa Pa. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp, tăng quy mô các đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy và giảm biên chế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về những tác động, ảnh hưởng việc thành lập thị xã, sắp xếp các đơn vị hành chính đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân, đặc biệt là người dân ở các xã được điều chỉnh để thành lập phường. Theo đó, khi Đề án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và chính quyền tỉnh Lào Cai tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức thay đổi con dấu, giấy tờ liên quan và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới…
Phiên họp toàn thể lần thứ 20 của Ủy ban Pháp luật tổ chức trong hai ngày 27-28/8. Trong ngày 28/8, Ủy ban Pháp luật sẽ Thẩm tra báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (2014-2019) và Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2019. Các thành viên Ủy ban Pháp luật sẽ cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 của Ủy ban Pháp luật và Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…