Mới đây, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành; nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự; nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cùng một số đảng viên, cán bộ của các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Yên, Hà Giang, Gia Lai.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy, những người này đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Họ cũng vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
Bản thân ông Lê Duy Thành trước đó đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi nhận hối lộ do liên quan đến vụ án Tập đoàn Phúc Sơn. Ông Lê Duy Thành bị khởi tố, bắt tạm giam cùng với cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan vào ngày 8/3. Còn ông Phạm Đình Cự cũng đã bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Yên khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Nhìn vào việc những cán bộ nói trên bị kỷ luật Đảng, ai cũng hiểu mục đích trong sáng, cao nhất của Đảng ta là để làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược; để nhìn về tương lai, để giữ đường hướng phát triển của Đảng và đất nước.
Việc này cũng thêm một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng ta là: Duy trì nghiêm kỷ luật, ngăn chặn cán bộ, đảng viên vi phạm. Ai làm tốt thì biểu dương, khen thưởng. Ai làm chưa tốt thì nhắc nhở, phê bình. Vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh. Kết luận rõ đến đâu xử lý đến đó.
Nhưng cũng từ sự việc trên, không khó để thấy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vô cùng gian nan trước những thứ đã “cũ kỹ, hư hỏng”. Công cuộc đó dẫu đã tạo ra nhiều chuyển biến, song đòi hỏi rất lâu dài, bền bỉ chứ không thể “một chốc”, “một lát” mà xong. Như một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương từng chia sẻ: Trước đây, tham nhũng thường mang tính tự phát, còn bây giờ mang tính tổ chức; lợi ích nhóm rất rõ nét. Tham nhũng giờ không chỉ một người, một nhóm người, không chỉ một cấp mà nhiều người, nhiều tầng, nhiều cấp…
Tham nhũng là một hiện tượng tồn tại khá phổ biến trong xã hội có phân chia giai cấp, có nhà nước. Không riêng gì ở Việt Nam mà bất kỳ một quốc gia hay chế độ chính trị nào trên thế giới, ít nhiều cũng đều có vấn nạn này.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ ba căn bệnh: tham ô, lãng phí, quan liêu bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân - một thứ trở lực nằm ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi con người, là một nguyên nhân gốc gây ra bao khuyết điểm, sai lầm và là trở lực khác. Người coi những tệ nạn đó là vi phạm đạo đức cách mạng, là hành động xấu xa nhất của con người, làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, là những thứ giặc nội xâm, "tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám".
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 94 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng ta luôn nhất quán duy trì kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Bản án tử hình dành cho Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu (năm 1950) về việc lợi dụng chức quyền nhận hối lộ, tham ô, sa đọa đã thể hiện sự nghiêm minh, lại tỏ rõ quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng ngay từ rất sớm.
Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và đấu tranh với “giặc nội xâm” nói riêng là mệnh lệnh sống còn của Đảng. Đáng mừng là mệnh lệnh đó được triển khai rất quyết liệt, đồng bộ và ngày càng hiệu quả hơn ở cả Trung ương lẫn địa phương, đã khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài đã lần lượt được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội. Hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước như bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, bộ trưởng, thứ trưởng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, đến Ủy viên Bộ Chính trị vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đều đã bị xử lý nghiêm minh.
Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Mới đây, cơ quan chức năng đã khởi tố, mở rộng điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, điển hình như: Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB; các vụ án trong lĩnh vực đăng kiểm; vụ án xảy ra tại Công ty AIC và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan…
“Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”. Việc giữ nghiêm kỷ luật cũng đang góp phần cảnh tỉnh cả một thế hệ, hàng ngũ trong Đảng, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng tiến bộ, trưởng thành. Chống tham nhũng, tiêu cực đã thực sự là xu thế không thể đảo ngược, không có vùng cấm, không loại trừ một ai.
Và quyết tâm chính trị đó của Đảng, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn"!