Chủ động đối phó với cơn bão số 3

Cơn bão số 2 vừa qua đã làm 32 người chết. Nguyên nhân chủ yếu do lũ quét, sạt lở đất ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Do vậy, theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, các địa phương cần lưu ý nhất vấn đề này trong việc phòng chống cơn bão số 3 sắp tới.


Bão mạnh, di chuyển nhanh


Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương, cơn bão số 3 là cơn bão rất mạnh, có tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp. Dự báo trưa nay (16/9), bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ. Đêm nay (16/9), bão sẽ đổ bộ vào đất liền tại khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng.

 

Cán bộ Trạm bờ Hoài Nhơn (Bình Định) đang theo dõi và liên lạc với tàu thuyền ngoài khơi vào tránh bão. Ảnh: Viết Ý- TTXVN


Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, chiều muộn ngày 15/9, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đã có cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với các địa phương, bộ, ngành để chủ động ứng phó bão số 3 với tên quốc tế Kalmaegi. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp.


Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, 17 giờ chiều 15/9, bão đạt cấp 12-13, gió giật mạnh tới cấp 15, 16. Cơn bão mạnh lên rất nhanh, từ cấp 8 lên cấp 13 trong vòng 1 ngày. Bão di chuyển với tốc độ rất nhanh, có lúc trên 30 km/giờ, hiện tượng hiếm gặp từ trước tới nay. Bán kính gió tới 350 km (thường là 200 km). Dự báo, đêm ngày 16/9, bão sẽ cập bờ và ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, tiếp tục đi sâu vào trong đất liền theo hướng tây bắc. Khi cập bờ, bão vẫn ở cấp 11 - 12 (thấp hơn cơn bão số 2, cấp 14 -15). Khu vực lân cận như: Nam Định, Thái Bình… có gió bão cấp 8-9, trong đất liền có thể gió cấp 7-8. Khu vực trung du, miền núi như: Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang… đề phòng có lũ quét, sạt lở đất.


Ông Vũ Văn Tú, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, nhiều tàu thuyền, ngư dân ở khu vực Bắc Bộ đã được thông báo về cơn bão. Tuy nhiên, số lượng tàu ngoài khơi vẫn còn rất lớn. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp đã gieo 1.160.000 ha, cơ bản lúa đã trổ bông, do vậy, cần tập trung thu hoạch lúa, hoa mầu, kiểm tra các hồ đập vì lượng nước tích đang ở mức cao..


“Cử người trực gác ở những khu vực nguy hiểm để cảnh báo người dân và hướng dẫn các phương tiện, giảm thiểu thiệt hại về người trong mưa bão. Trên thực tế gần 60% thiệt hại về người là do sự bất cẩn chủ quan của người dân và một số chính quyền địa phương khi ứng phó mưa lũ”, ông Vũ Văn Tú nhấn mạnh.


Trung Quốc đối phó bão Kalmaegi

Cơ quan thời tiết Trung Quốc ngày 15/9 đã phát cảnh báo da cam, mức cảnh báo cao thứ hai trong thang cảnh báo 4 màu, khi cơn bão Kalmaegi (bão số 3) chuẩn bị tiến vào nước này. Bão Kalmaegi được dự báo đổ bộ vào khu vực giữa thành phố Yangjiang ở tỉnh Quảng Đông và thành phố Wanning ở tỉnh Hải Nam vào chiều nay (16/9). Cơn bão sẽ mang theo gió lớn và mưa to, do đó người dân được cảnh báo hạn chế các hoạt động ngoài trời. Trước đó, cơn bão Kalmaegi đã ra khỏi Philippines sau khi gây lũ lụt ở một số khu vực nông thôn. Với sức gió 160 km/h, cơn bão đã quét qua khu vực đông bắc đảo Luzon tối 14/9, sau đó tràn qua phía tây rồi hướng vào Biển Đông. Kalmaegi không gây thương vong gì cho Philippines nhờ chính quyền đã cảnh báo trước, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Nhật Huy

Một số địa phương đã lên phương án đối phó với bão số 3. Theo ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, để đối phó với bão, thành phố đã dừng toàn bộ các cuộc họp để lo chống bão. Tổ chức 5 đoàn đi tới các điểm xung yếu để kiểm tra, đôn đốc. Tuy nhiên, vẫn còn 945 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, 57 phương tiện đánh bắt xa bờ. Do vậy, chúng tôi sẽ chỉ đạo các phương tiện phải nhanh chóng về đất liền trú bão, các tàu nhỏ được kéo lên bờ. Lồng bè đã được sơ tán, công bố kế hoạch cấm biển, dừng hoạt động vận tải trên biển vào trưa ngày 16/9.


Cùng như Hải Phòng, Quảng Ninh đang khẩn trương triển khai các biện pháp chống bão, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã có 2 công điện chỉ đạo phòng tránh bão số 3. Liên lạc với tàu đánh bắt xa bờ, gọi về bờ trú ẩn. Hiện có 249 tàu đang hoạt động trên biển, chúng tôi đã liên lạc được với 224 tàu, 25 tàu đang được liên lạc. Ngoài ra, không cho tàu, thuyền ra khơi, 500 tàu du lịch phải vào điểm trú bão trước 12 giờ trưa ngày 16/9. Ngư dân ở các lồng bè phải di chuyển lên trên bờ. Chủ các hồ đập phải theo sát tình hình, để xả lũ, bảo đảm an toàn. Cử 3 đoàn công tác tới những điểm xung yếu để phòng chống bão.


Với khu vực vùng núi, ông Phạm Văn Lái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cho biết, phòng chống sạt lở đất, lũ quét là yêu cầu quan trọng nhất. Tỉnh đã cử 9 đoàn xuống các huyện thị và thành phố để phòng chống việc này, không để xảy ra tình trạng người dân bị ảnh hưởng tới tính mạng vì hiện tượng này. Tuyên truyền trường học, cơ quan không chủ quan với lũ quét, sạt lở đất.


Cẩn thận với lũ quét


Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cơn bão số 2 làm cho 32 người ở các tỉnh miền núi thiệt mạng. Trong đó, chủ yếu vì lũ cuốn trôi, sạt lở đất. Do vậy, cần rút kinh nghiệm, quan tâm, hướng dẫn dân đi qua vùng nước ngầm, suối. Tuyên truyền cho từng gia đình, từng người không đi qua dòng nước ngầm, suối khi mưa lũ xảy ra. Bố trí người canh gác, hướng dẫn người dân ở những điểm này.


“Cơn bão số 2 đi vào Quảng Ninh nhưng số người chết lại chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Do vậy, phải hành động quyết liệt để giải quyết tình trạng này”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, tốc độ nhanh. Do vậy, cần công bố đầy đủ thông tin cho người dân chủ động. Mục tiêu đầu tiên là hạn chế thiệt hại về người, tăng cường nhận thức người dân về việc tự bảo vệ bản thân. Vừa qua, công tác này đã được thực hiện tốt ở khu vực ven biển, nhưng mưa, lũ quét trên bộ lại gây thiệt hại lớn về người và của.


“Mỗi địa phương phải thống kê các địa điểm có nguy cơ nước tràn, sông suối đi qua, ứng trực, canh gác, cắm biển báo, hướng dẫn người dân qua lại. Tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức được nguy hiểm của lũ quét”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Ngoài ra, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, lượng tàu ở ngoài khơi còn quá lớn 12.200 tàu, 52.000 người. Do vậy, phải kêu gọi, bám sát từng tàu, bảo đảm các tàu này về trước 17 giờ chiều 16/9. Các hồ chứa đang trong giai đoạn tích nước, cần nắm chắc số liệu để có biện pháp xử lý. Sản xuất nông nghiệp có khả năng bị thiệt hại lớn, cần có giải pháp để hỗ trợ người dân, địa phương có giải pháp hỗ trợ chủ động, ngay lập tức, không chờ Trung ương.


Hữu Vinh

Công điện của Thủ tướng chỉ đạo ứng phó bão số 3
Công điện của Thủ tướng chỉ đạo ứng phó bão số 3

Trước việc bão số 3 (Kalmaegi) đang tiếp tục mạnh thêm và di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo đối phó cơn bão này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN