Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai (từ ngày 15 - 22/5/2021) nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam (22/5/1945 - 22/5/2021).
Buổi tọa đàm được phát trực tiếp trên Facebook thông tin phòng, chống thiên tai (Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai) tại địa chỉ: http://www.facebook.com/phongchongthientaivn và được kết nối với điểm cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận, mùa mưa bão đến trong bối cảnh dịch COVID-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn trong việc giúp người dân đến nơi an toàn khi thiên tai xảy ra; việc diễn tập phòng, chống thiên tai, thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...
Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp cũng như chủ động ứng phó trước mùa mưa bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để đảm bảo các phương án vừa an toàn dịch bệnh, vừa chủ động phòng, chống thiên tai. Mùa bão, lũ diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 nên trong công tác phòng, chống thiên tai cần căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương để ứng phó. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị có thể thực hiện việc diễn tập, họp thông qua công nghệ thông tin; tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Đề cập đến diễn biến mùa bão năm 2021, Phó Tổng cục trưởng Phạm Đức Luận cho hay, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, năm 2021, lũ quét xảy ra sớm hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang). Ngoài ra, theo dự báo, mùa mưa bão năm nay có khoảng 12-14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có thể ảnh hưởng tới đất liền nước ta... Do vậy, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố vừa cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa cần nêu cao tính chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó với thiên tai.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Cao Hưng Thái cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở Ấn Độ. Mỗi người dân cần chuẩn bị cho mình những kiến thức về phòng, chống dịch COVID-19, chủ động trong phòng tránh, ứng phó trước, trong và sau dịch bệnh cũng như thiên tai; tuân thủ chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, chính quyền địa phương... Thực hiện tốt vấn đề trên sẽ góp phần làm giảm sự lây lan của dịch bệnh, cũng như hạn chế thiệt hại do thiên tai xảy ra.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế Trương Văn Giang cho hay, dù còn nhiều khó khăn trước tình hình dịch bệnh cũng như công tác khắc phục hậu quả thiên tai từ năm 2020, tỉnh luôn thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành liên quan trong công tác phòng, chống dịch, phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh tuyên truyền về dịch, phòng, chống thiên tai thông qua băng rôn, khẩu hiệu, loa phát thanh, ứng dụng mạng xã hội...
"Thừa Thiên - Huế xây dựng kế hoạch về nhân lực để sẵn sàng thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân khi thiên tai xảy ra trong điều kiện dịch bệnh. Tỉnh thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, phát huy đội xung kích ở cơ sở trong phòng, chống dịch, ứng phó với thiên tai", ông Trương Văn Giang cho biết.
Các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến tình hình dịch COVID-19, công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2021 cũng như đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch, ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh thời gian tới...