Chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn trên diện rộng

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 86 đề nghị các địa phương và ban ngành chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn trên diện rộng.

Các địa phương cần theo dõi chặt diễn biến mưa, lũ. Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh/TTXVN

Ngày 3/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 86 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn trên diện rộng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành thực hiện nghiêm Công điện số 1659 ngày 1/11 của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc khử trùng theo phương châm 4 tại chỗ để đối phó với tình huống lũ lớn, ngập sâu trên diện rộng kéo dài. Tùy theo tình hình mưa, lũ, bão, chủ động cho học sinh nghỉ học.

Kiểm tra, rà soát bảo vệ an toàn hồ đập, công trình phòng chống thiên tai. Giám sát chặt chẽ các hồ chứa, vận hành đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa đã đầy nước. Chỉ đạo các chủ hồ chứa cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để tính toán, chỉ đạo vận hành hồ an toàn. Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình trạng xả lũ khẩn cấp. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu hồ đập; kiểm tra vận hành các thiết bị cảnh báo khi có tình huống xảy ra.

Tổ chức sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn. Đảm bảo an toàn sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản, lồng bè, ao nuôi, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.

Các bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó với mưa lũ lớn, duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến bão, mưa lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh và bão số 12, từ chiều và đêm 3/11, ở các tỉnh Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to, kéo dài và lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Đợt mưa này có khả năng gây một đợt lũ diện rộng trên hầu hết các khu vực sông thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai; lũ lớn tập trung ở khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng, thấp, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, Gia Lai, Kom Tum, Đắk Lắk. Lũ quét, sạt lở đất cùng núi, ven sông có nguy cơ xảy ra trên hầu hết các địa phương nêu trên, đặc biệt khu vực vùng núi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kom Tum, Đắk Lắk. Nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng khu vực vùng hạ lưu sông Đồng Nai-Sài Gòn khi hồ chứa thủy điện điều tiết kết hợp với thời kỳ triều cường.

Thắng Trung (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh chủ động ứng phó với bão số 12 kết hợp triều cường
TP Hồ Chí Minh chủ động ứng phó với bão số 12 kết hợp triều cường

UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phòng chống, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN