Trước những ý kiến cần giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ từ thiện, bảo đảm đúng theo Nghị định 64/2008, xin bà cho biết quan điểm về vấn đề này?
Nghị định 64/2008 áp dụng cho các tổ chức được nhà nước giao để làm nhiệm vụ nhân đạo, từ thiện và đấy là một hình thức quản lý của nhà nước đối với các tổ chức có nhiệm vụ được giao. Ví dụ như Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội từ thiện không áp dụng cho cá nhân. Cho nên nếu lấy Nghị định 64/2008 áp dụng vào trường hợp cô Thủy Tiên thì không đúng.
Nghị định 64/2008 đã ban hành lâu rồi, đến nay cũng cần phải sửa đổi một số điểm. Nghị định đã giúp Nhà nước quản lý tốt các nguồn viện trợ, các nguồn đóng góp của cộng đồng để không bị thất thoát, không bị lợi dụng nguồn đó và đặc biệt nó được vận động, phân phối được đến đúng người, đúng nơi, đúng chỗ và hiệu quả.
Như đại biểu nói, việc cá nhân đứng ra làm từ thiện, huy động với số tiền lớn như trường hợp ca sỹ Thủy Tiên thì sẽ rủi ro rất lớn về mặt pháp lý. Vậy có nên khuyến khích không, thưa đại biểu?
Trong Nghị định 64/2008 vẫn khuyến khích những cá nhân, những người tham gia làm công tác thiện nguyện, tự nguyện, và cũng phải tôn vinh họ. Trong đó nếu như họ làm đúng, không vi phạm và đặc biệt là không bị lợi dụng, lạm dụng của tổ chức, cá nhân trong công tác từ thiện. Nhưng những việc làm của họ không chính đáng hoặc có những mục tiêu gì đó thì phải xem xét.
Nếu như họ làm đúng quy định pháp luật, họ không làm gì sai thì mình phải khuyến khích, cần tôn vinh họ.
Câu chuyện cứu trợ mưa lũ ở miền Trung có ý kiến cho rằng sự ủng hộ, tiếp nhận ủng hộ người dân chưa kịp thời, trong khi người dân rất cần sự hỗ trợ. Vậy bà có kiến nghị gì về cách thức thực hiện, thay đổi cách thức thực hiện tiếp nhận ủng hộ cho người dân?
Thực ra thì năm nào cũng có những nơi xảy ra thảm họa thiên tai và cứ mỗi lần như thế thì người dân cả nước và rất nhiều người mong muốn được đến trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau, ai cũng đều muốn được trực tiếp đến nơi mưa lũ để giúp đỡ, đó cũng là một nhu cầu chính đáng.
Tuy nhiên, theo quy định về cứu trợ quốc tế thì có 3 nguyên tắc cần phải tuân thủ.
Nguyên tắc thứ nhất, đó là không phân biệt đối xử đối với những người ở những vùng xảy ra thảm họa.
Thứ hai là nguyên tắc không tạo áp lực cho những người tại chỗ, kể cả là nạn nhân, chính quyền, các lực lượng để họ không bị áp lực thêm những công việc khác.
Nguyên tắc thứ ba, đó là phải giúp những gì mà họ cần thay vì mình giúp những gì mình có. Chính vì thế thì cần phải có những tổ chức chuyên nghiệp làm công tác này, cần có sự điều phối của chính quyền, của các lực lượng chức năng và đặc biệt là tổ chức Hội Chữ thập đỏ, đây là tổ chức chuyên nghiệp trong công tác nhân đạo.
Nếu như chúng ta cứ tự phát thì sẽ xảy ra vấn đề bị rối loạn, ví dụ như hiện nay ở Quảng Bình có rất nhiều đội vào để cứu trợ, nhưng phương tiện không có, điều kiện không có, việc tiếp nhận, tiếp cận những gia đình, những địa điểm mà cần thiết cũng rất khó. Chỗ dễ tiếp cận thì nhận nhiều, bên khó khăn cần hỗ trợ thì không có.
Nên tất cả cần liên hệ với chính quyền địa phương và các cơ quan đầu mối. Trong đó ở đâu cũng đều có nơi tiếp nhận viện trợ như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, các hội đoàn để chúng ta cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ.
Video đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trả lời báo chí:
Vậy việc hỗ trợ như thế nào thì đúng theo quy định, thủ tục, thưa đại biểu?
Để giám sát việc này Chính phủ đã giao cho các cơ quan chức năng với phương châm 4 tại chỗ. Khi xảy ra thiên tai thì chính quyền và lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẽ phải thực hiện nhiệm vụ về công tác cứu hộ, cứu nạn, đồng thời cũng phải giám sát việc đó.
Khi thiên tai xảy ra quy mô rộng hơn với cả vùng, ở nhiều tỉnh thì Chính phủ chỉ đạo thực hiện công tác cứu hộ, đồng thời giám sát các tổ chức, trong đó có Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ và các tổ chức chính trị xã hội được giao nhiệm vụ vừa động viên, giúp đỡ người dân, đồng thời phải giám sát hoạt động cứu hộ, cứu trợ sao cho thật sự hiệu quả, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Thưa đại biểu, cùng với Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ cũng là một trong những đơn vị tiếp nhận và phân phối nguồn tiền ủng hộ cho người dân. Vậy có cần thay đổi trong cách làm để tiền hỗ trợ đến với người dân kịp thời hơn, sớm hơn?
Hội Chữ thập đỏ luôn luôn phản ứng rất nhanh và kịp thời trong bất cứ hoàn cảnh nào khi xảy ra thiên tai. Bằng nguồn quỹ cứu trợ của Hội, khi xảy ra thiên tai, Hội sẽ ứng quỹ đó ngay để giúp cho Hội chữ thập đỏ các cấp triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai trước khi xảy ra.
Chúng tôi có hẳn một quy trình ứng phó về phòng, chống thiên tai, có những bước chuẩn bị trước thiên tai, khi xảy ra thiên tai và sau thiên tai. Tất cả các bước sẽ đánh giá về nhu cầu, thiệt hại do thiên tai gây ra. Trên cơ sở đó vận động các nguồn lực và sẽ cung cấp đến đúng địa chỉ.
Chúng tôi làm bài bản, chuyên nghiệp bởi Hội Chữ thập đỏ là tổ chức quốc tế, được đào tạo cơ bản và hầu hết các tỉnh khi xảy ra thiên tai đều thành lập đội ứng phó khẩn cấp và là những người được đào tạo kỹ năng ứng phó. Những người này nắm chắc các quy trình và thực hiện những việc này với nhiều kinh nghiệm.
Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!