Sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến địa phương tại bản Huakhongphanhay, huyện Khong, tỉnh Siphandone (nay là tỉnh Champasak), Chủ tịch Khamtai Siphandone là một trong những nhà lãnh đạo thuộc thế hệ gây dựng phong trào và khai phá con đường cách mạng của Lào. Trong suốt sự nghiệp của mình, đồng chí Khamtai từng được giao nhiều trọng trách quan trọng, từ đại biểu Chính phủ Lào It-xa-la khu vực Nam Lào, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu vực miền Trung, rồi Ủy viên Trung ương Mặt trận Lào It-xa-la và Mặt trận Lào yêu nước, Ủy viên trung ương Đảng; được phong quân hàm Đại tướng và trở thành người đứng đầu Quân giải phóng nhân dân Lào, tiếp đến là Quân đội nhân dân Lào; Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng; Thủ tướng, tiếp đó là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Lào cho đến khi về hưu năm 2006.
Trưởng thành từ một cán bộ bình thường, Chủ tịch Khamtai đã từng bước trở thành người chỉ đạo, chỉ huy, kề vai sát cánh cùng Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong và các vị lãnh đạo khác của Mặt trận Lào yêu nước lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giành thắng lợi, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975.
Sau năm 1975, trên tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, đồng chí Khamtay tiếp tục cùng Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các vị lãnh đạo khác nghiên cứu, đề ra đường lối chính sách trong từng giai đoạn, bao gồm cả đường lối đổi mới đúng đắn, phù hợp, đồng thời lãnh đạo việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và pháp luật đã ban hành trong từng giai đoạn để đem lại kết quả thực tế, đạt được thành công trên nhiều mặt. Tiêu biểu là lãnh đạo tổ chức thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược gồm sự nghiệp bảo vệ chế độ mới và xây dựng đất nước.
Ngày 15/8/1991, Hội nghị Hội đồng nhân dân tối cao Khóa II đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đồng thời thông qua việc bầu đồng chí Khamtai Siphandone làm Thủ tướng. Ngày 24/11/1992, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã thống nhất bầu đồng chí Khamtai Siphandone làm Chủ tịch Đảng.
Với tư cách người đứng đầu Chính phủ Lào, tiếp đó là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đồng chí Khamtai Siphandone đã phát huy tính chủ động và tinh thần trách nhiệm cao nhất, chỉ đạo việc nghiên cứu lý luận của Đảng, tầm nhìn, chiến lược, đường lối, chính sách phát triển đất nước trong dài hạn và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn phù hợp điều kiện cơ chế mới, cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Tại Đại hội lần thứ VII Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Khamtai Siphandone đã chỉ đạo tổng kết 10 năm đổi mới và thông qua 5 bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới tại Lào và ban hành Nghị quyết của Trung ương Đảng về việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tất cả những đóng góp quan trọng trên là công sức, trí tuệ và tư duy sáng tạo của Chủ tịch Khamtai Siphandone trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới để đem lại kết quả thực tế như ngày nay.
Từ khi nghỉ hưu năm 2006, Chủ tịch Khamtai Siphandone tiếp tục quan tâm theo dõi tình hình đất nước; tiếp tục hoạt động không mệt mỏi để góp phần vào công cuộc củng cố xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng Nhà nước trở thành nhà nước pháp quyền và phục vụ nhân dân. Ông dành nhiều thời gian đi thăm và có ý kiến giúp cho các đồng chí lãnh đạo Đảng-Nhà nước ở trung ương và địa phương; xây dựng trang trại, dự án sản xuất kiểu mẫu, xây dựng những công trình phúc lợi công cộng cho cộng đồng và động viên, khuyến khích nhân dân cùng tham gia.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Lào, ông Khamphan Pheuyavong, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, người từng có trên 10 năm làm thư ký cho Chủ tịch Khamtai Siphandone, cho biết Chủ tịch Khamtai không chỉ là lớp lãnh đạo đầu tiên của cách mạng Lào, những người đã gây dựng, lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Lào cho đến khi giành được thắng lợi, mà còn là một trong những nhà lãnh đạo tài ba của Lào trong việc nghiên cứu đường lối, ban hành chính sách, đặc biệt là các đường lối đổi mới của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Chủ tịch Khamtai Siphandone luôn nhận được sự yêu mến và tin cậy từ tập thể lãnh đạo cũng như cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Lào.
Trưởng Ban Tuyên huấn Lào nhấn mạnh Chủ tịch Khamtai Siphandone cũng là người luôn gắn bó, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác mật thiết và chặt chẽ giữa Lào và Việt Nam. Năm 1947, Chủ tịch Khamtai là người đầu tiên thay mặt Chính phủ Lào kháng chiến gặp đồng chí Phạm Văn Đồng, đại biểu thường trực Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam ở tỉnh Quảng Ngãi, để trao đổi về việc cùng phối hợp liên minh chiến đấu giữa Lào và Việt Nam, đặc biệt là việc đưa bộ đội tình nguyện Việt Nam sang phối hợp với quân kháng chiến Lào trong hoạt động, xây dựng lực lượng, giúp đội quân kháng chiến Lào, sau này là Quân đội nhân dân Lào ngày càng trưởng thành, phát triển và vững mạnh. Ông Khamphan Pheuyavong đánh giá đây là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam.
Trong giai đoạn kháng chiến, cứu quốc, đồng chí Khamtai đã cùng chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh với các chuyên gia quân sự và bộ đội tình nguyện Việt Nam trong nhiều trận đánh ở nhiều chiến trường khác nhau, góp phần cho chiến thắng vẻ vang của hai dân tộc trong cuộc chiến chống kẻ thù chung. Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Khamtai luôn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Ông cũng là một trong những lãnh đạo Lào luôn có quan hệ gần gũi, gắn bó với các nhà lãnh đạo Việt Nam ở mọi thời kỳ, là người luôn quan tâm vun đắp, thúc đẩy và góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, giúp cho quan hệ này ngày càng đơm hoa kết trái và trường tồn.
Điểm lại những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Khamtai Siphandone đối với đất nước Lào cũng như đối với quan hệ Lào-Việt, ông Khamphan Phueyavong đề nghị người dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ noi tấm gương sáng về tinh thần yêu nước cao cả và sự dâng hiến hết mình vì đất nước của các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước, nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước, tiếp tục chung tay gìn giữ và vun đắp cho quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào – Việt Nam, Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.