Chủ tịch nước ký lệnh công bố thêm 6 Luật mới

Chiều 12/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán của Bộ luật Hình sự

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự nhằm khắc phục những điểm sai sót đã phát hiện được của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán của Bộ luật Hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất Bộ luật trong thực tiễn; bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau khi Bộ luật Hình sự được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong ảnh: Bị cáo Ôn Thành Tân (sinh năm 1998) tại phiên tòa. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội: Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể và chỉ chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với hai tội danh: giết người và cướp tài sản; sửa đổi, bổ sung một số quy định mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm cả đối với hai tội danh: tài trợ khủng bố và rửa tiền nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khung của một số điều luật nhằm bảo đảm sự tiếp nối giữa các mức định lượng trong các khung, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm; sửa đổi, bổ sung yếu tố cấu thành của một số tội phạm để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Luật bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng, máy tính, mạng viễn thông (điều 292 Bộ luật Hình sự); bổ sung một tội danh mới - đó là tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (điều 217a Bộ luật Hình sự) nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua, gây thiệt hại cho nhiều người, nhất là người dân ở vùng nông thôn, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Cùng với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 3 đã thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ Luật hình sự số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ tạm giam số 94/2015/QH13.

Nghị quyết tuyên bố kể từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14), Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết quy định cụ thể việc thi hành Bộ luật Hình sự (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14) trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự và các Bộ luật, Luật có liên quan, đồng thời bổ sung những quy định cụ thể mới liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Nghị quyết giao trách nhiệm cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc tổ chức triển khai thi hành Bộ luật Hình sự, đặc biệt là giao trách nhiệm cụ thể cho Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao trong việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự.

Nghị quyết có quy định chuyển tiếp về việc áp dụng pháp luật trong thời gian từ khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành (5/7/2017) đến khi Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành (1/1/2018).

Phòng ngừa vi phạm làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bổ sung quy định việc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Luật có hiệu lực từ 1/7/2018, với 9 chương, 78 điều.

Luật mở rộng nguyên tắc bồi thường, cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự; kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án dân sự và thi hành án hình sự.

Luật sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về thiệt hại được bồi thường nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua, bảo đảm việc giải quyết bồi thường nhanh chóng, hiệu quả. Đặc biệt, Luật bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại có thể tính toán ngay được, không cần xác minh; bổ sung quy định về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại theo hướng: Nhà nước chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại; bổ sung đối tượng được phục hồi danh dự; quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản công

Với 10 chương, 134 điều, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Người dân địa phương tận dụng trụ sở của Ban tổ chức cán bộ huyện Tuy Hòa (Phú Yên) để nhốt bò. Ảnh: Thế Lập/TTXVN

Luật quy định 7 nhóm nguyên tắc để áp dụng thống nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, chú trọng đến việc giao quyền quản lý, quyền sử dụng hoặc các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác nhằm xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng gắn với trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, sử dụng tài sản công; việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường để đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch của việc khai thác. Đồng thời, Luật bổ sung quy định giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình.

Luật giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp cho Chính phủ (thay cho thẩm quyền của Thủ tướng như hiện nay); bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm tuân thủ, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua.

Nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý

Luật Trợ giúp pháp lý gồm 8 chương, 48 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018. Việc xác định người được trợ giúp pháp lý được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa những đối tượng đang được trợ giúp pháp lý, phù hợp với các chính sách đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. So với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, diện người được trợ giúp pháp lý được mở rộng (từ 6 diện người lên 14 diện người).

Theo đó, hai đối tượng được kế thừa hoàn toàn từ Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 là người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng; hai đối tượng được kế thừa và mở rộng là trẻ em không nơi nương tựa thành tất cả trẻ em, người dân tộc thiểu số ''thường trú'' thành ''cư trú'' tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Luật bổ sung hai nhóm là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi (hiện nay đang thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự) và người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo để bảo đảm chính sách hình sự đối với các nhóm đối tượng này. Ngoài ra, Luật có quy định mới trong việc áp dụng điều kiện có khó khăn về tài chính đối với 8 nhóm người như khoản 7, điều 7 của Luật để cung cấp cho những người thực sự có nhu cầu nhưng không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về điều kiện có khó khăn về tài chính áp dụng với các nhóm người này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Bảo đảm cho hoạt động của lực lượng cảnh vệ thuận lợi

Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 33 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, Luật đã bổ sung hai chương, 12 điều. Lực lượng cảnh vệ được xác định là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, có chức năng thực hiện công tác cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

Các trường hợp được nổ súng khi đang thi hành nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ được quy định tại Nghị định số 128/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cảnh vệ, nay được quy định cụ thể ngay trong Luật Cảnh vệ để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo đảm, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phù hợp với đặc thù của công tác cảnh vệ.

Theo đó, trên cơ sở nguyên tắc và các trường hợp nổ sung được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ quy định cán bộ, chiến sĩ trong khi thi hành nhiệm vụ được nổ súng trong các trường hợp cụ thể: Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả; vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ; các trường hợp nổ súng khác theo quy đinh của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ


Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 76 điều. So với Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nồ và công cụ hỗ trợ, Luật bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí là Cảnh sát biển, Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm điều kiện cho các lực lượng này thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Luật quy định cụ thể các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự. Theo đó, căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Luật quy định thành nhóm các trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và nhóm các trường hợp nổ sung không cảnh báo.

Luật quy định nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng theo hướng: khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng và phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra... nhằm bảo đảm tính khái quát áp dụng chung cho các loại vũ khí quân dụng (các loại súng, bom, mìn, lựu đạn...) trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự.

Phúc Hằng (TTXVN)
Chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật đất đai
Chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật đất đai

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 24/3, Bộ trưởng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 484/QĐ-BTNMT phê duyệt kế hoạch chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật đất đai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN