* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại An Giang
Chương trình "Vinh quang Việt Nam" lần thứ 9 năm 2011, vinh danh 21 tập thể, cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống đã được tổ chức sáng 18/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự buổi lễ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng hoa chúc mừng đại diện Công ty Viễn thông Viettel, một trong 7 tập thể được tôn vinh tại Chương trình. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
7 tập thể và 14 cá nhân xuất sắc được tôn vinh tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 9 là những gương điển hình trong ở nhiều lĩnh vực. Đó là tấm gương trong lĩnh vực lao động sản xuất của Anh hùng Lao động, đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty 36 Bộ Quốc phòng; Anh hùng Lao động Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty May Sài Gòn 3; kỹ sư Nguyễn Thế Trinh, chỉ huy lắp máy Thủy điện Sơn La; Công ty Viettel Telecom; Công ty cao su Đồng Phú… Trong lĩnh vực đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có Thiếu tá công an Nguyễn Đức Cường; Trung tá bộ đội biên phòng Vũ Trọng Hải; ông Nguyễn Thanh Hải, đội trưởng CLB phòng chống tội phạm thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương)… Bên cạnh đó còn có những con người bình dị với những việc làm rất đáng trân trọng như ngư dân Mai Phụng Lưu ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bất chấp hiểm nguy kiên trì bám biển Hoàng Sa; em Trần Văn Truyền (Đà Nẵng) khi 14 tuổi đã cứu sống 11 nạn nhân, vớt 8 thi thể trong vụ đắm thuyền ở vùng biển Bãi Hầm, dưới chân đèo Hải Vân…
Các cá nhân, đại diện tập thể được vinh danh trong Chương trình đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng hoa và Ban tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương.
Chương trình "Vinh quang Việt Nam" lần thứ 9 do Báo Lao động, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Hữu nghị Á Châu phối hợp tổ chức, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.
* Trong 2 ngày 16 và 17/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã đến thăm và làm việc tại tỉnh An Giang.
Phát biểu với các cán bộ chủ chốt của tỉnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đánh giá cao những nỗ lực của các ban ngành địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2011 theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, kế hoạch kiềm chế lạm phát, ổn định định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Chủ tịch nước hoan nghênh những cố gắng của An Giang trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, mở rộng diện tích gieo trồng, chuyển đổi giống lúa chất lượng cao, tiếp tục nâng cao sản lượng cá tra, cá basa tăng 12% so với cùng kỳ. An Giang là một trong những địa phương thực hiện thành công và đang nhân rộng mô hình chuỗi giá trị hài hòa lợi ích, giúp gắn kết nhà nông, doanh nghiệp, cùng chính quyền địa phương, cùng hỗ trợ phát triển để tăng lợi nhuận và chia sẻ giảm thiểu rủi ro.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, để An Giang khẳng định vị trí là một trong những tỉnh động lực cho vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh cần có cơ chế, chính sách đối với vùng chuyên canh và dân trồng lúa nhằm bảo đảm sự phát triển nhanh bền vững của các địa phương trồng lúa lớn, đảm bảo thực hiện chiến lược an ninh lương thực của quốc gia. Đối với vùng chịu tác động hậu quả thiên tai, cùng với chú trọng công tác phòng chống, nông dân cần được hỗ trợ trong việc thu mua tạm trữ, bình ổn giá, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Trao đổi về những nội dung xây dựng nông thôn mới đang được An Giang đẩy mạnh thực hiện, Chủ tịch nước cho rằng, chương trình nông thôn mới để thực hiện thành công cần có sự chung tay góp sức của người dân. Bởi vậy, cùng với việc tạo cơ chế để thu hút tiềm lực của nhân dân, các cấp chính quyền cần có cơ chế để người dân cùng quản lý tham gia các chương trình.
Ghi nhận những đổi mới của địa phương trong thực hiện cải cách tư pháp, Chủ tịch nước chỉ rõ những tồn tại trong lĩnh vực tư pháp nói chung, ở An Giang nói riêng có nguyên nhân do sự thụ động trông chờ hướng dẫn của một số địa phương; bất cập trong công tác tuyển dụng cán bộ, thiếu thốn trong tài chính bảo đảm cho hoạt động và cơ sở vật chất. Chủ tịch nước đề nghị, cùng với khắc phục những hạn chế chung về hạ tầng giao thông, thị trường nông sản hàng hóa, An Giang cần tạo điều kiện để ngành tư pháp tỉnh nhanh chóng khắc phục nhược điểm, tập trung thực hiện những nội dung được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đề ra theo chỉ đạo của Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.
TTN