Hai nhà lãnh đạo đã điểm lại những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam - Australia thời gian qua, nhất là sau khi hai nước trở thành Đối tác Chiến lược năm 2018, và nhất trí cho rằng sự tin cậy, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước cùng những thành tựu đáng khích lệ trong các lĩnh vực hợp tác là cơ sở quan trọng để hai nước tiếp tục đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Thủ tướng Anthony Albanese bày tỏ vui mừng gặp lại Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu mà Chính phủ và người dân Việt Nam dành cho ông nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua. Thủ tướng Albanese khẳng định Australia rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng của mỗi bên; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục ưu tiên ODA và hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng những thành tựu kinh tế - xã hội của Australia trong thời gian gần đây; đánh giá cao thành công chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền David Hurley và của Thủ tướng Anthony Albanese trong năm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia. Chủ tịch nước cảm ơn Chính phủ Australia luôn dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định, trong đó có các dự án hạ tầng có ý nghĩa biểu tượng tại Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như hỗ trợ Việt Nam triển khai các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Để tiếp tục làm sâu sắc quan hệ hai nước, Chủ tịch nước đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, phát huy hiệu quả hơn nữa các cơ chế hợp tác, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, quốc phòng - an ninh, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân thông qua việc tăng số chuyến bay giữa hai nước, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Australia hòa nhập và đóng góp tốt hơn nữa cho sở tại và quan hệ hai nước.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, ASEAN, APEC; cũng như chia sẻ quan điểm, đánh giá về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông và hợp tác tại tiểu vùng sông Mê Công.