Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Khoá XV Nguyễn Thuý Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
Nữ đại biểu Quốc hội hoạt động hiệu quả, trách nhiệm và tâm huyết
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại những kết quả nổi bật của Quốc hội kể từ đầu nhiệm kỳ Khoá XV đến nay; khẳng định và đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của các nữ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, sự tham mưu, giúp việc của các nữ lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp Vụ của Văn phòng Quốc hội vào thành công chung của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Người khẳng định: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/Đánh đông dẹp bắc làm gương để đời”. Đối với công tác phát triển cán bộ nữ, trong bản Di chúc, Người đã biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh của phụ nữ Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng và căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đất nước.
Với Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu của nước ta luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đã có rất nhiều nữ đại biểu trưởng thành từ hoạt động Quốc hội và đảm nhận những cương vị lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, như: nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh…
Riêng nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội có 151 nữ đại biểu, chiếm tỷ lệ 30,26%, trong đó có 36 nữ đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương. Qua 3 Kỳ họp đầu tiên, các nữ đại biểu Quốc hội Khóa XV đã tham gia tích cực, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh và đóng góp hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chất vấn và trả lời chất vấn…
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội phát biểu tại các phiên thảo luận tổ và phiên họp toàn thể rất cao, ý kiến rất chất lượng, sâu sắc và tâm huyết. Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam hoạt động rất tích cực, hiệu quả, là diễn đàn để các nữ đại biểu giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hoạt động, tham gia rất tích cực các diễn đàn nghị viện song phương và đa phương…
Tại Văn phòng Quốc hội, các nữ lãnh đạo cấp Vụ đã phát huy rất tốt năng lực trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, được lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội ghi nhận, biểu dương và giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. “Đây là kết quả rất xứng đáng dành cho những đóng góp tận tụy, tận tâm, tận lực của các đồng chí đối với hoạt động của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ
Trước những nhiệm vụ phát triển của đất nước và yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và nữ lãnh đạo, quản lý cấp Vụ của Văn phòng Quốc hội tiếp tục không ngừng học tập, nâng cao trình độ, hiểu biết, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Tiếp tục phát huy trí tuệ, trách nhiệm, nhiệt huyết, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ ưu tú, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân trong việc nghiên cứu, tham vấn, đề xuất những ý kiến thiết thực, xác đáng trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam; tham gia hiệu quả vào quá trình hoạch định chính sách trong lĩnh vực bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, hoàn thành tốt trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, xứng đáng với sự tin yêu, tín nhiệm của cử tri và nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội khẩn trương rà soát, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; đồng thời rà soát toàn bộ chính sách đối với phụ nữ, tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các chính sách theo thẩm quyền nhằm bảo đảm cuộc sống của nữ công nhân trong khu công nghiệp, nhất là chính sách về nhà ở, nhà trẻ, trường học để phụ nữ yên tâm lao động sản xuất; nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đối với nữ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa; chính sách đối với vận động viên nữ…
Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai các hình thức hoạt động phong phú, chất lượng và hiệu quả cao hơn thông qua các nhóm Nghị sĩ hữu nghị, nhóm nữ đại biểu Quốc hội và nhóm đại biểu Quốc hội trẻ của Quốc hội nhằm tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, tham gia tích cực và hoàn thành tốt nhiệm vụ ngoại giao nghị viện, đóng góp hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị lãnh đạo các cơ quan chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý và ứng cử đại biểu Quốc hội. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và sự trải nghiệm của phụ nữ qua thực tiễn hoạt động chính trị còn có mặt hạn chế. Bởi vậy, cần xác định, việc tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý là trách nhiệm và công việc quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ nữ.
“Đảng đoàn Quốc hội đang chuẩn bị rất kỹ lưỡng vấn đề này. Công tác quy hoạch phải làm công khai, dân chủ và minh bạch nhất, tìm được nhiều nguồn nhất. Đối với Văn phòng Quốc hội, cần sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo còn thiếu tại một số đơn vị như Báo Đại biểu Nhân dân, Vụ Kế hoạch tài chính…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng vào sự tiếp tục cố gắng, nỗ lực của các nữ đại biểu Quốc hội, nữ lãnh đạo, công chức, viên chức Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, “Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để chị em phụ nữ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Nhân ngày quốc tế phụ nữ, Chủ tịch Quốc hội chúc các nữ đại biểu “giỏi việc nước, giỏi việc Quốc hội, giỏi việc Ủy ban, đảm đang việc nhà, trong ấm, ngoài êm”.