Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh; đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, các sở ngành tỉnh Cà Mau, các vị lão thành cách mạng và đông đảo nhân dân trong tỉnh…
Nhà máy xử lý Khí Cà Mau là công trình thực hiện chủ trương chế biến sâu, nhằm tăng giá trị khí, tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo an ninh quốc gia.
Được thực hiện trong khoảng 2 năm, Dự án GPP Cà Mau có công suất xử lý 6,2 triệu m3 khí/ngày từ nguồn khí PM3-CAA, cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3.000 m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 10.000 tỷ đồng, giá trị của gói thầu EPC khoảng 5.500 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành, Nhà máy cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn LPG/ngày, tương đương 200.000 tấn LPD/năm, cung cấp 35 tấn condensate/ngày, tương đương 12.000 tấn condensate/năm, bổ sung được khoảng 10% nhu cầu thị trường trong nước.
Với yêu cầu cao về mặt kỹ thuật và công nghệ, công trình khi hoàn thành có công nghệ tiên tiến hàng đầu, đem lại hiệu suất thu hồi LPG cao so với các dự án tương tự từ trước đến nay, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm vận hành an toàn và bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu cắt băng khánh thành nhà máy. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh khẳng định, nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước từ Lô PM3-CAA, 46 Cái Nước..., Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được giao làm chủ đầu tư dự án công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Đây là cụm dự án công nghiệp không chỉ có ý nghĩa quan trọng với tỉnh Cà Mau mà còn có ý nghĩa chiến lược về kinh tế - xã hội của cả khu vực Tây Nam Bộ. Nhà máy là “nét vẽ” cuối để hoàn thiện bức tranh tổng thể của cả chuỗi dự án Khí - Điện - Đạm tại Cà Mau.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh bày tỏ tin tưởng, việc thực hiện thành công dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau là động lực để duy trì sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Tổng công ty Khí Việt Nam, chúc mừng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có thêm một dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời cũng đánh dấu một bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghiệp khí nước ta.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong những năm qua, cùng với sự nghiệp đổi mới toàn diện, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá nhanh. Đóng góp tạo nên thành quả của đất nước, có dấu ấn đậm nét, nổi bật của ngành dầu khí Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, không chỉ là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước, dầu khí còn là đơn vị nộp ngân sách lớn, là ngành quan trọng trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Nhiệm vụ chính trị của ngành dầu khí gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu thực hiện nnghi thức khánh thành phòng chỉ huy điều hành nhà máy. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Đảng, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư và có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngành dầu khí phát triển, trong đó quan tâm, chú trọng đến việc đầu tư để phát triển công nghiệp khí. Nhờ đó, khí Việt Nam đã từng bước trở thành ngành công nghiệp trẻ tuổi có thành tích nổi bật đáng tự hào, tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
“Nếu hơn 20 năm trước đây, toàn bộ khối lượng khí đồng hành khi chúng ta khai thác dầu khí đều bị đốt bỏ ở ngoài khơi, thì đến hôm nay, với những nỗ lực không mệt mỏi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có khả năng chế biến khí đồng hành và đưa khí vào sử dụng để sản xuất điện, đạm, phục vụ các ngành sản xuất và phục vụ dân sinh.
Là một trong những cánh chim đầu đàn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt
Nam, PVGAS đang được Nhà nước giao quản lý ngày một hoàn chỉnh hơn một
hệ thống những công trình hiện đại và quy mô với rất nhiều dự án phối
hợp chi tiết chỉn chu và đồng bộ; tạo nên một mạng lưới liên hoàn, phức
tạp và to lớn để phục vụ mục tiêu phát triển hơn nữa nền công nghiệp
khí. Trải qua 28 năm, PVGAS đã biến giấc mơ khí trở thành hiện thực, với
sự hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước. Hôm nay, chúng ta cùng
chứng kiến sự xuất hiện một công trình khí mới, với công nghệ tiên
tiến, hiện đại lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam - Nhà máy xử lý
Khí Cà Mau”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tham quan phòng chỉ huy điều hành nhà máy. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình phát triển, vai trò của năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng xanh, sạch được đề cao. Việc khánh thành và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý Khí Cà Mau không chỉ có ý nghĩa với Tổng Công ty Khí Việt Nam mà còn là một dấu mốc quan trọng để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam và các đơn vị thành viên bước tiếp những bước vững vàng trong việc thực hiện “Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia Việt Nam” đã được Chính phủ phê duyệt. Trong bối cảnh thiếu hụt khí dầu mỏ hóa lỏng LPG tại Việt Nam, công trình khánh thành được kỳ vọng sẽ có tác dụng ổn định nhu cầu của thị trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế của vùng Tây Nam Bộ nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, dầu khí là ngành có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Tập đoàn bằng việc đề ra nhiều chiến lược, quy hoạch, nghị quyết cho sự phát triển của ngành. Quốc hội cũng như Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục theo sát và hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó có Tổng Công ty Khí Việt Nam ổn định, phát triển đủ sức cạnh tranh để phát huy vai trò của một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.