Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ Mohammad Hamid Ansarin; Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Sumitra Mahajan; Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury; Chủ tịch Hội đồng quốc gia Liên bang UAE Amal Al Qubaisi từ ngày 8-13/12.
Tham gia Đoàn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong hai ngày làm việc tại Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã có 16 hoạt động với những chương trình làm việc dày đặc. Chủ tịch Quốc hội đã hội kiến Tổng thống Prana Mukherjee; hội kiến Phó Tổng thống-Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Hamis Ansari; hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Marxism (CPI-M) Sitaram Yechury và đồng chí Sudhakar Reddy, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI); tiếp Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Bengal Greetesh Sharma; có cuộc gặp với Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ Sonia Gandhi và gặp thành viên Quỹ Ấn Độ và Công ty Dầu khí Ấn Độ.
Tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Sumitra Mahajan, hai Chủ tịch Quốc hội đã thống nhất việc cần tiếp tục củng cố mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai đất nước, trong đó tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai Quốc hội thông qua việc các hoạt động giao lưu trong lĩnh vực lập pháp, giữa các nhóm nghị sĩ hữu nghị và các cơ quan của Quốc hội hai nước...
Cũng tại hội đàm, hai nữ Chủ tịch Quốc hội đã chứng kiến lễ ký Hiệp định về Phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; chứng kiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Dịch vụ năng lượng Nhà nước của Ấn Độ hợp tác về phát triển điện; chứng kiến Hãng Hàng không Vietjet Air ký hợp tác với Hãng Hàng không Ấn Độ, dự kiến mở đường bay thẳng từ Việt Nam sang Ấn Độ vào năm 2017.
Có thể nói, thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa hai nữ Chủ tịch Quốc hội trong chuyến thăm có vai trò và ý nghĩa lịch sử rất lớn. Đây cũng là lần đầu tiên, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ trực tiếp ký Thỏa thuận hợp tác. Thông thường công việc này được giao cho Tổng thư ký Hạ viện.
Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, phía bạn đã đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới; cho rằng chỉ trong thời gian ngắn, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam phải trải qua một thời gian dài đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được hiện nay thật đáng khâm phục.
Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng chia sẻ về những tình cảm kính trọng của nhân dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những tình cảm nồng ấm, tốt đẹp với đất nước và con người Việt Nam khởi nguồn từ những năm tháng Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước cho đến ngày nay.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới đặt hoa viếng tại Đài tưởng niệm Mahatma Gandhi; tới thăm Nhà Quốc hội Ấn Độ và dự thính Phiên họp của Hạ viện và Thượng viện Ấn Độ...
Việt Nam và Ấn Độ đã nhất trí nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược” lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 9/2016. Đến nay, mới chỉ có 4 nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Điều đó cho thấy, Ấn Độ có vai trò rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Do đó, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có ý nghĩa quan trọng, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ; cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; củng cố và tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2017) và 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược (2007-2017).
*Sau khi rời Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới UAE dự Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 với chủ đề “Đoàn kết để định hình tương lai”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới.
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham gia cùng 5 nữ Chủ tịch Quốc hội khác chủ trì phiên thứ 3 có chủ đề “Đoàn kết bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh”. Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra 5 đề xuất và cùng các nữ Chủ tịch Quốc hội thảo luận về việc làm thế nào để tăng cường vai trò của nữ giới, đặc biệt là các nữ nghị sỹ trong việc đoàn kết để bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh, một hành tinh xanh.
Tuyên bố Abu Dhabi được thông qua tại Hội nghị lần này đã thể hiện đề xuất của Việt Nam về nội dung hòa bình và an ninh. Nội dung này được thông qua đã thể hiện ý chí, cam kết của các nữ Chủ tịch Quốc hội trong việc chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu đối với hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế.
Bên lề hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có những cuộc tiếp xúc song phương với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc gia (Quốc hội) UAE, Tiến sỹ A. Al Qubaisi; có cuộc gặp Quốc vụ khanh phụ trách Khoan dung của UAE, bà Sheikha Lubna Khalid Al-Qasimi.
Qua gặp gỡ, trao đổi, Chủ tịch Quốc hội UAE đã bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao những đề xuất mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra tại Phiên thảo luận có chủ đề về “Đoàn kết bảo vệ một hành tinh lành mạnh”; đồng thời nhận định, những đề xuất, ý kiến đóng góp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại các phiên họp là sự đóng góp lớn vào thành công chung của hội nghị.
Gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội Phần Lan, bà Maria Lohela. Hai nữ Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ về nhiều vấn đề mà hai nước quan tâm, trong đó có vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên rừng. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan cho biết, trong điều kiện của mỗi nước hiện nay đều tiết kiệm trong chi tiêu, nhưng vốn ODA mà Phần Lan dành cho Việt Nam vẫn không thay đổi.
Chủ tịch Quốc hội cũng gặp Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), ông Saber Chowdhury và Tổng thư ký IPU, ông Martin Chungong. Hai lãnh đạo IPU đánh giá Việt Nam đã để lại ấn tượng rất sâu đậm với các nhà lãnh đạo liên minh nghị viện thế giới cũng như lãnh đạo các nghị viện thế giới tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại Hà Nội năm 2015.
Đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của Quốc hội Việt Nam và IPU thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, ông Saber Chowdhury khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam để tổ chức Hội nghị về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam vào tháng 5 năm sau. Trong khi đó, Tổng thư ký IPU Martin Chungong cho rằng, mặc dù Việt Nam là quốc gia đang phát triển, còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội nhưng Việt Nam luôn cam kết ưu tiên phát triển bền vững, lồng ghép các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, các mục tiêu phát triển bền vững vào các văn bản luật, chương trình, chiến lược phát triển đất nước; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam trong việc thực hiện thành công các mục tiêu này; mong muốn Việt Nam tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động của IPU nhằm thúc đẩy và bảo vệ lợi ích và thể hiện các mối quan tâm chung trên toàn cầu.
Tại Ấn Độ và UAE, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, kiều bào, sinh viên, người lao động đang sinh sống, công tác, học tập, lao động tại nước bạn để thông báo về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời lắng nghe ý kiến đề xuất cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cán bộ ngoại giao đóng góp ý kiến nhằm góp phần xây dựng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài chính quy, hiện đại; xây dựng hình ảnh của người cán bộ ngoại giao bản lĩnh, trí tuệ, từng bước đảm bảo và nâng cao cơ sở vật chất cơ quan cho xứng tầm với vị thế của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện...
Chủ tịch Quốc hội biểu dương những nỗ lực của lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã khắc phục những khó khăn trong cuộc sống xa nhà, xa quê hương để hoàn thành tốt công việc do Đảng và Nhà nước giao phó. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân; tăng cường mở lớp dạy và học tiếng Việt cho con em bà con kiều bào để duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tinh thần lao động cần cù, nỗ lực vượt qua khó khăn và có nhiều hoạt động hướng về Tổ quốc của kiều bào, người lao động Việt Nam; đồng thời mong muốn bà con luôn tuân thủ pháp luật của nước sở tại, thực sự là cầu nối quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước bạn.