Tại đây, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Mozambique đã nghe Tiến sỹ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển của Viện và những đóng góp trong công tác nghiên cứu khoa học về cây lúa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với 360 ha, Viện dành 60 ha phục vụ công tác thí nghiệm, 220 ha sản xuất lúa giống các cấp. Từ khi thành lập năm 1977 đến nay, Viện đăng ký lưu hành 180 giống lúa tên gọi OM đã và đang chiếm ưu thế với gần 65% tổng diện tích trong số 4,2 triệu ha lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển mạnh ra các vùng khác như Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc.
Giống được đánh giá rất cao ở nước ngoài như Campuchia, Lào, các nước Nam Á và châu Phi...Viện đã nghiên cứu, chuyển giao 25 kỹ thuật canh tác về lúa, cây trồng trên nền đất lúa, ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp và sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Viện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan giao chủ trì, tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học, dự án cấp Nhà nước, cấp ngành, cấp cơ sở, hợp tác nghiên cứu với tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các địa phương trong vùng, góp phần giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của cả nước nói chung, của vùng nói riêng.
Theo Tiến sỹ Trần Ngọc Thạch, trước những thách thức đối với sản xuất lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Viện triển khai nghiên cứu và đăng ký lưu hành giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết, cho năng suất từ 7-8 tấn/ha, đáp ứng yêu cầu canh tác từ 2-3 vụ lúa/năm. Thời gian tới, Viện tập trung nghiên cứu các giống lúa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội Mozambique cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Đoàn được trải nghiệm và tận hưởng vị ngon của gạo Việt Nam. Bà gửi lời cảm ơn và bày tỏ sự ủng hộ cao với công việc Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện.
Theo bà Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias, sự phát triển của một quốc gia chỉ có thể dựa trên cơ sở nghiên cứu và khám phá khoa học. Vì vậy, Mozambique rất quan tâm tới những hạt gạo được phát triển bởi các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam. Tại khu vực miền Trung của Mozambique, cụ thể ở tỉnh Zambezia, nhiều nông dân đã được hưởng lợi từ các kiến thức là thành quả nghiên cứu của các viện, cơ sở nghiên cứu từ Việt Nam.
Trong thời gian công tác ở Việt Nam, Đoàn đã nhận thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc nghiên cứu và sản xuất gạo. Đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, bà Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias bày tỏ sự quan tâm đến công tác đào tạo và tập huấn về cây lúa, kỹ thuật canh tác lúa của Viện đến người sản xuất; mối liên kết hợp tác công tư giữa Viện và doanh nghiệp trong nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Mozambique đã đi tham quan mô hình trình diễn giống lúa mới và các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long.