Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương… cùng dự.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị. Thực tế, 75% động lực phát triển trên thế giới là đến từ đô thị. Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có đề cập xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa. Đây là cơ sở để lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết về công tác quy hoạch đô thị. Đó là Nghị quyết 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại cuộc gặp mặt, các thành viên của Hội đã đóng góp ý kiến vào các dự án luật đang được Quốc hội xem xét, như: dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn ý kiến của các đại biểu; đánh giá cao những gợi mở rất quan trọng về nhiều vấn đề có liên quan tới các dự án luật mà Chính phủ đang chuẩn bị và Quốc hội đang xem xét, trong đó có những vấn đề đang quy định nhưng chưa hợp lý hoặc những vấn đề mới phát sinh nhưng chưa có quy định điều chỉnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội làm việc theo hướng không để ý kiến nào không được lắng nghe, tiếp thu hay giải trình. Vì thế, các luật, quyết sách được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao, được cử tri và nhân dân đánh giá cao về chất lượng.
Tiếp nối tinh thần làm việc như vậy, Quốc hội sẽ tiếp tục trân trọng lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, trên cơ sở đó, những dự án luật rất khó tại Kỳ họp thứ 6 cũng sẽ được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao của đại biểu Quốc hội và nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng vì sau 25 năm thành lập, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã có nhiều cố gắng, đóng góp quan trọng cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị của nước ta; tổ chức và hoạt động rất bài bản; thực hiện tốt, bám sát và toàn diện các chức năng theo Quyết định thành lập hội của Thủ tướng Chính phủ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên.
Hội đã tham gia phản biện trong quá trình xây dựng các dự án Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Hội tham gia góp ý với Chính phủ nhiều dự án lớn như: Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng Đồng bằng sông Cửu long; Chiến lược phát triển đô thị Quốc gia và chiến lược xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, thông minh; góp ý các đồ án quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch; các dự án lớn về phát triển hạ tầng như Quy hoạch Sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển quốc tế Thị Vải, Lạch Huyện...
Hội cũng tham gia và đóng góp tích cực trong việc ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tham gia các Hội đồng xét duyệt đồ án quy hoạch quan trọng của Bộ Xây dựng, các Hội đồng nâng cấp, xếp loại đô thị và đã có những ý kiến quan trọng trong hoàn thiện hồ sơ trình duyệt.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ấn tượng với Giải Quy hoạch Đô thị Quốc gia (VUPA), do Hội đề xướng lần đầu tiên năm 2018 nhằm tôn vinh các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch, các nhà quản lý đô thị, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, các tổ chức xã hội, người dân có những đóng góp xuất sắc trong quá trình tham gia vào công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị, nông thôn Việt Nam theo hướng hiện đại, bản sắc.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hội tiếp tục quán triệt và nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta với vấn đề phát triển đô thị, quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là Nghị quyết 06. “Nghị quyết đã xác định rõ là phải chỉ đạo đổi mới tư duy về phương pháp quy hoạch đô thị, bảo đảm đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm. Quy hoạch đô thị về phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Phải kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, về tình trạng quy hoạch treo, cơ chế xin cho, lợi ích nhóm trong xây dựng, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đô thị hóa phải gắn liền với công nghiệp hóa. Nếu đô thị hóa chậm hơn công nghiệp hóa thì thiếu các thiết chế xã hội phục vụ công nghiệp hóa, tác động sâu sắc tới trật tự, an toàn xã hội. Đô thị hóa phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội tiếp tục chủ động tham gia vào các chương trình, kế hoạch và các công tác quan trọng, có ý nghĩa lớn để có những ý kiến đóng góp quan trọng, hiệu quả cho Quốc hội, Chính phủ, nhất là trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững Đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục theo dõi, phản biện trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quyết định, phê duyệt.
Nhấn mạnh Hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, Chủ tịch Quốc hội giao Viện Nghiên cứu Lập pháp làm đầu mối nghiên cứu cách thức phối hợp hiệu quả, nhất là phối hợp nghiên cứu các đề án luật, các đề án lớn, trong đó có các dự án luật Quốc hội đang xem xét như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Thủ đô… Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Hội nghiên cứu, chủ động đề xuất sáng kiến lập pháp những dự án luật đúng với chức năng của Hội; tiếp tục có cơ chế phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để tăng cường truyền thông chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.