Bày tỏ vui mừng tiếp nhà đầu tư Nhật Bản thăm làm việc tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua phát triển hết sức tốt đẹp, ngày càng sâu sắc, thực chất và hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư thứ hai, đối tác du lịch thứ ba, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng quan hệ kinh tế - thương mại hai nước vẫn phát triển. Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây chính là nền tảng quan trọng để tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư...
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn đến việc đầu tư và phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam. Tập đoàn Erex và Tập đoàn T&T Group đã ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sinh khối tại Việt Nam.
Ông Honna Hitoshi cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian cho cuộc tiếp. Chia sẻ quan điểm của Chính phủ Nhật Bản mong muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí các-bon, đầu tư tại Việt Nam, ông Honna Hitoshi cho biết, điện sinh khối được sản xuất ở các quốc gia có nguồn sinh khối phong phú, làm giảm giá thành điện. Việt Nam có tài nguyên sinh khối rất lớn (khoảng 120 triệu tấn). Đây là nguồn tài nguyên quý giá, bao gồm phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp. Nguồn tài nguyên sinh khối từ nông nghiệp sẽ góp phần phục vụ phát triển công nghiệp, nhất là trong điều kiện nguyên liệu than, khí thiên nhiên hóa lỏng phải nhập khẩu, giá thành ngày càng tăng. Sử dụng nguồn tài nguyên sinh khối góp phần cung cấp nguồn điện ổn định, giá thành cạnh tranh, nâng cao khả năng tự cung cấp điện.
Ông Honna Hitoshi cũng chia sẻ trong tháng 2/2022 đã cùng đối tác Việt Nam đi khảo sát tại 16 tỉnh, thành của Việt Nam. Qua khảo sát cho thấy Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh khối phong phú cũng như có thể phát triển vùng nguyên liệu sinh khối. Khi thực hiện dự án, doanh nghiệp có thể phát triển giống cây có khả năng tạo ra tài nguyên sinh khối lớn để chuyển thành năng lượng điện. Từ kết quả khảo sát, doanh nghiệp có thể xây dựng 19 dự án với 1400 Megawatt (MW) đến năm 2035 tại Việt Nam; cùng với đó có thể mở rộng quy mô hơn trên cơ sở phát triển giống cây mới, mở rộng nhà máy có công suất điện lớn.
Chia sẻ Nhật Bản đã chuyển đổi điện than sang đồng đốt sinh khối, góp phần giảm phát thải khí CO2, ông Honna Hitoshi cho biết, với việc tăng diện tích trồng các giống cây và cải tiến công nghệ, giá thành điện sinh khối sẽ giảm, cạnh tranh được rất nhiều. Điện sinh khối cung cấp nguồn điện ổn định, góp phần phát triển kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kế hoạch đầu tư phát triển dự án điện sinh khối và chuyển đổi các dự án điện than hiện nay sang nhà máy điện sinh khối của Tập đoàn Erex rất phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Việt Nam; phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26); đúng thời điểm đang triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; Việt Nam đang trong thời kỳ hoàn thiện Quy hoạch điện VIII.
Cho biết Quy hoạch điện VIII có việc xem xét nâng cao tỷ trọng phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện sinh khối, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam đã có khung khổ pháp luật quy định về đầu tư nước ngoài cũng như cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; đồng thời khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư thành công, bền vững, lâu dài tại Việt Nam.
Được biết, Tập đoàn Erex - một trong những Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về công ty điện sinh khối và hiện đang có 5 nhà máy điện sinh khối tại Nhật Bản. Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Tập đoàn có ý tưởng đầu tư phát triển dự án điện sinh khối ngoài Nhật Bản.