Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tính dự báo có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quy hoạch
Cho ý kiến tại các tổ thảo luận, các đại biểu đánh giá, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là bức tranh phát triển của đất nước và thể chế hóa được Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng cũng như khát vọng của Việt Nam đối với phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2030 - 2045 trở thành hiện thực.
Nhiều ý kiến đại biểu nhận định, hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, một số nội dung cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ. Đồng thời, các ý kiến khẳng định việc Quốc hội kịp thời xem xét, thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia là vô cùng cần thiết… Nếu thiếu quy hoạch tổng thể quốc gia hoặc tiến hành chậm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những quy hoạch tiếp theo, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong những năm sắp tới.
Vì vậy, các đại biểu kỳ vọng với sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, bổ sung một số nội dung cần tiếp tục rà soát để bảo đảm quy hoạch tổng thể quốc gia khi được thông qua sẽ đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Thảo luận tại tổ đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với thời gian quy hoạch rất dài, tầm nhìn gần 30 năm trong một giai đoạn thế giới đầy biến động, công nghệ đổi mới, phát triển như vũ bão, tính dự báo trong quy hoạch là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quy hoạch.
Bên cạnh đó, để quy hoạch không bị lạc hậu, cần có sự đánh giá tình hình, cập nhật thường xuyên; chú trọng bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu… Trong các yếu tố quyết định thành công của việc thực hiện quy hoạch, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. "Nếu không có nguồn nhân lực tốt, không thể nào thực hiện được quy hoạch. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có kinh nghiệm và Việt Nam cần phải đặt vấn đề này. Chúng ta phải thay đổi nguồn nhân lực một cách căn bản, chất lượng, mới thực hiện được các chiến lược, những kịch bản tăng trưởng" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cho ý kiến tại thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, quy hoạch cần có độ linh hoạt vì "cứng quá rất khó làm". Về nguồn lực để thực hiện quy hoạch, đại biểu cho rằng, đây cũng là vấn đề quan trọng khi Nhà nước rất khó đủ nguồn lực tài chính để thực hiện, mà có thể sẽ phải huy động thêm nguồn lực bên ngoài. Đại biểu cho rằng, nên xác định những vùng trọng điểm để thúc đẩy phát triển và kéo theo sự phát triển ở những nơi khác thay vì "dàn đều" cho tất cả địa phương. "Cần phải nhấn một vài chỗ mạnh, còn chỗ khác chấp nhận chậm một bước, nhưng sau đó tiến nhanh, sẽ hiệu quả hơn là dàn trải như hiện tại", đại biểu Phương chia sẻ.
Cũng trong sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19.
Theo nhiều đại biểu, việc ban hành Nghị quyết số 30 là sáng kiến lập pháp thể hiện tư duy, trí tuệ, sự linh hoạt, nhạy bén ứng phó kịp thời tình trạng cấp bách chưa từng có tiền lệ. Nghị quyết số 30 đã tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết định thực hiện các biện pháp đặc biệt để phòng, chống dịch COVID-19. Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã triển khai một cách khẩn trương, kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 30. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, có thể khẳng định, quy định liên quan tại Nghị quyết số 30 đã góp phần đưa công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt được nhiều thành tựu.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội, một số chính sách phòng, chống dịch COVID-19 đi vào thực tiễn còn gặp khó. Sự phối kết hợp giữa các sở ngành còn vướng; các văn bản hướng dẫn cụ thể còn chậm, chưa ban hành kịp thời. Có hiện tượng văn bản hướng dẫn chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với tình hình đời sống xã hội trong lúc dịch bệnh bùng phát. Một số văn bản cũng chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi, cá biệt có một số quy định còn mâu thuẫn, thay đổi nhanh, gây khó khăn cho cơ sở, bức xúc trong xã hội như: Giấy đi đường, lưu thông hàng hóa, hàng hóa thiết yếu...
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Nghị quyết 30 cũng tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc ban hành Nghị quyết liên quan đến vaccine, mới chỉ giải quyết được những vướng mắc của Trung ương chứ chưa ban hành văn bản để giải quyết được các vướng mắc về công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ cho công tác phòng chống dịch tại địa phương. Cụ thể, chưa ban hành các văn bản hướng dẫn mua sắm các vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch khẩn cấp từng ngày từng giờ tại địa phương.
Vì vậy, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội mong muốn Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương giải quyết khó khăn này; quy định giá vật tư tiêu hao trong bối cảnh chúng ta tiếp tục phải đối mặt với cách dịch bệnh khác.
Đề xuất phân luồng giá dịch vụ khám chữa bệnh
Chiều cùng ngày, góp ý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) cho rằng, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần đảm bảo đủ các yếu tố cấu thành để các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ điều kiện, nguồn kinh phí để đầu tư, đảm bảo đời sống cho đội ngũ y bác sỹ và nhân viên y tế.
Đối với việc tự chủ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị cần quy định theo hướng, cơ sở khám, chữa bệnh tự bảo đảm đầu tư và chi thường xuyên, được quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ Y tế, trừ giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu hoặc giá dịch vụ khám, chữa bệnh hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công-tư.
Cho ý kiến về giá dịch vụ khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề xuất phân 2 luồng giá viện phí. Cụ thể, giá được bảo hiểm chi trả là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị; cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả. "Đây là vấn đề rất là quan trọng, luật cần phải nêu rõ nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Bảo hiểm xã hội có vai trò bảo đảm an sinh cho người dân, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc khám chữa bệnh; do đó, luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu.
Đối với giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đây chính là động lực để các bệnh viện nói riêng, ngành Y tế nói chung, thay đổi và phát triển. “Không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật thị trường”, đại biểu nêu.
Tại đây, đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đề nghị, cần làm rõ cụm từ “khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu”; đồng thời nhấn mạnh, khám chữa bệnh là dịch vụ đặc thù, liên quan chặt chẽ tới tính mạng, sức khỏe của người dân, do đó, việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện, chất lượng hành nghề là hết sức cần thiết. Một trong những khuôn khổ để kiểm soát là quy định cụ thể các trình tự, thủ tục hành chính, các yêu cầu về khám, chữa bệnh.
Nhận định dự thảo luật có bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động khám, chữa bệnh, nhưng đại biểu Lưu Văn Đức cho rằng, đây mới chỉ là các thủ tục hành chính có liên quan giữa cơ quan nhà nước và cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời, đề nghị dự thảo luật cần đề cập cụ thể đến việc rút ngắn thủ tục hành chính giữa cơ sở khám, chữa bệnh với người bệnh. Bởi trên thực tế, việc nhập viện hay xuất viện, người bệnh hoặc người nhà của người bệnh mất nhiều thời gian để làm thủ tục.