Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại họp báo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp báo. Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Thông báo trước báo giới, ông Lê Bộ Lĩnh cho biết, sau 26 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; với sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; với tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, các cơ quan liên quan; với sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế... Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng khác.
Tiếp tục rà soát các dự án luật
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 luật gồm: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và 11 Nghị quyết (Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết dừng thực hiện Chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận).
Đối với dự án Luật về Hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, qua các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp cho thấy, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Căn cứ vào kết quả xin ý kiến, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua 2 dự án luật nêu trên tại Kỳ họp thứ 2 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với 14 dự án luật khác. Đây là những dự án luật được nhiều cử tri đề nghị xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém và bất cập hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch, đường sắt, thủy lợi, du lịch, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, quản lý ngoại thương, chuyển giao công nghệ…
Khắc phục hậu quả của việc dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Dự án đã triển khai được một số công việc liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư…
Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp để phát triển điện hạt nhân; mặt khác, hiệu quả kinh tế của dự án không còn bảo đảm, giá thành sản xuất bằng điện hạt nhân cao hơn giá thành sản xuất từ năng lượng khác... nên Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét việc dừng thực hiện dự án này. Qua biểu quyết, Quốc hội đã thông qua đề nghị của Chính phủ với tỉ lệ đồng thuận cao. Đồng thời yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả của việc dừng thực hiện dự án này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo điện tử Vietnamnet về việc một số quyết sách được Quốc hội ban hành phải sửa đổi, ví dụ như việc dừng thực hiện Chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Quốc hội có rút kinh nghiệm gì trong việc đưa ra các quyết sách quan trọng, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại thời điểm Quốc hội khóa XII, việc ban hành chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là rất trúng, bởi lúc đó, giá dầu cao khoảng 100 USD/thùng nhưng hiện nay giá dầu chỉ còn 49 - 50 USD/thùng.
Cùng với đó, thời điểm này có nhiều sự lựa chọn, như năng lượng về gió, mặt trời... giá thành thấp hơn so với năng lượng nguyên tử. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương đã giải trình trước các đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo về nội dung này. Đất nước còn nghèo nên phải tính toán cân nhắc, Quốc hội đã tính kỹ điều này và có sự đồng thuận cao, với hơn 95% số phiếu tán thành việc dừng dự án - Tổng Thư ký nêu.
Giám sát việc thực hiện những nội dung chất vấn
Tại Kỳ họp thứ 2, đã có 2.406 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 89 phiếu chất vấn với 100 câu hỏi của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn. Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam báo cáo giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giao các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, tổ chức giải trình về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm đáp ứng đòi hỏi của đồng bào, cử tri và yêu cầu phát triển của đất nước.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới, phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 40% - 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện hai Nghị quyết này.