Phát biểu khai mạc, ông Trần Ngọc Liêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm nhiều nội dung mà trước đây được quy định trong nhiều nghị định, văn bản khác nhau như về xung đột lợi ích, chuyển đổi vị trí công tác, tặng quà và nhận quà tặng… Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định chi tiết việc áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Đây có thể coi là một nội dung mới và khó vì lần đầu tiên Việt Nam quy định về vấn đề này.
Để triển khai Luật một cách đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm tính khả thi, Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết 15 điều, khoản cụ thể.
Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam bà Akiko Fujii nhấn mạnh: “Tham nhũng là một trong những cản trở lớn nhất trong quá trình tiến tới đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Mặc dù nhiều nước đã rất nỗ lực, ước tính hàng năm có khoảng 3,6 nghìn tỉ đô la sẽ bị thất thoát do tham nhũng. Đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt hơn”.
Bà Akiko Fujii đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng: “Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Phòng chống tham nhũng của Liên hợp quốc năm 2009; sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017 bao gồm những thay đổi lớn trong chính sách xử lý hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng; thông qua Luật Phòng chống tham nhũng mới vào năm 2018. Đặc biệt, một trong những điểm mới trong Luật là việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực tư nhân. Tất cả những nỗ lực này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu 16 của Chương trình nghị sự 2030 vì Mục tiêu Phát triển bền vững, trong đó ‘Giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức’ là một trong những chỉ số chính”.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết 10 nội dung: trách nhiệm giải trình; đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý; tặng quà và nhận quà tặng; kiểm soát xung đột lợi ích; vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác…
Nghị định cũng hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích hợp pháp khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng... Đáng quan tâm, theo Dự thảo, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối, nếu không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm để xử lý theo quy định. Tương tự, người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định cũng phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và nộp lại quà tặng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với quà tặng bằng hiện vật, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xác định giá trị của quà tặng, bán quà tặng và nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng…
Dự thảo cũng quy định cụ thể về xử phạt hành chính đối với hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức phạt cao nhất cho hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước lên đến 100 triệu đồng nếu có biểu hiện nhũng nhiễu, lợi dụng hoạt động từ thiện hoặc hoàn cảnh khó khăn của tổ chức, cá nhân khác để vi phạm, sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.
Nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến về quy định cụ thể về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng bắt buộc áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, công ty đại chúng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; trách nhiệm giải trình; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị... Đây là hội thảo quan trọng, tiền đề để xây dựng Nghị định chất lượng, đưa Luật vào cuộc sống, có tác dụng thiết thực trong công tác phòng chống tham nhũng.