Không ít tổ chức cơ sở đảng thiếu sức chiến đấu, không đủ năng lực lãnh đạo và chỉ đạo để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh. Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã bị phát giác và xử lý, có cả người giữ chức vụ cao trong đảng bị cách chức, phải ra hầu tòa. Đây là những tồn tại đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ những năm qua. Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đang là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng tại tỉnh Phú Thọ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Cách đây hơn một năm, dư luận hết sức bất ngờ trước thông tin ông Nguyễn Văn Hòa, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy và 3 cán bộ của huyện bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ bắt tạm giam để điều tra về vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Thanh Thủy.
Theo Cơ quan điều tra, ông Nguyễn Văn Hòa khi còn đương chức đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiều lần chỉ đạo cấp dưới giao tiền cho mình để chiếm đoạt chi tiêu cá nhân, gây thiệt hại hơn 40 tỷ đồng. Các ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phùng Duy Thuấn, Vũ Hồng Phương với cương vị là thành viên của Hội đồng bồi thường đã giúp ông Hòa rút tiền tạm ứng để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng không lập quỹ tiền mặt, không quản lý theo dõi, không lập sổ sách theo dõi, không giám sát chi tiết từng khoản theo quy định. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm của các cán bộ này đã tạo kẽ hở cho ông Hòa chiếm đoạt ngân sách Nhà nước chi tiêu cá nhân.
Vụ việc đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của cấp ủy, cơ quan, đơn vị và niềm tin của nhân dân. Vụ việc được đưa ra ánh sáng đã tạo sự cảnh tỉnh, răn đe rất lớn, tạo hiệu ứng xã hội, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao.
Đảng viên Nguyễn Thị Tình, khu hành chính 15, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì cho rằng, vụ tham nhũng xảy ra tại huyện Thanh Thủy đã chứng minh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại địa phương chưa quyết liệt, chưa đủ mạnh. Việc sử dụng cán bộ của huyện Thanh Thủy không đúng khiến cho công việc ở đơn vị, địa phương bị trì trệ, không phát triển được, đi vào con đường tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Theo bà Tình, muốn bộ máy thực sự trong sạch, vững mạnh, công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần phải quyết liệt hơn, đẩy mạnh hơn nữa.
Ông Đinh Công Thực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Phú Thọ cho biết, để phát hiện nhanh, sớm và hiệu quả các dấu hiệu tham nhũng, Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát; trong đó có những quy định mới như quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, ban hành Quy chế phối hợp trong việc nắm thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát cũng tập trung vào người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và phẩm chất, đạo đức, lối sống; thường xuyên kiểm tra, giám sát những nơi, những lĩnh vực thường xảy ra vi phạm, như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất đai, mua sắm tài sản công, công tác tổ chức cán bộ…
Từ năm 2016 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm tra 16 tổ chức đảng về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 05 Bộ Chính trị; kiểm tra 21 tổ chức đảng và 28 đảng viên về thực hiên chức trách được giao. Các cấp ủy, chi bộ cũng kiểm tra 5.928 lượt tổ chức đảng và 2.160 lượt đảng viên; giám sát chuyên đề 2.089 lượt tổ chức đảng và 2.160 lượt đảng viên.
Qua công tác kiểm tra, giám sát đã giúp cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp chủ động nắm chắc tình hình địa phương, đơn vị, kịp thời phát hiện những vi phạm trong đảng. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thi hành kỷ luật đối với 5 tổ chức đảng và 1.637 đảng viên; trong đó cấp tỉnh kỷ luật 7 đảng viên; cấp ủy cấp huyện kỷ luật 58 đảng viên và 2 tổ chức đảng; cấp ủy cơ sở kỷ luật 1.258 đảng viên và 3 tổ chức đảng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 42 vụ với 63 bị cáo, thu hồi tài sản tham nhũng trên 15,7 tỷ đồng; đưa ra xét xử 47 vụ với 80 bị cáo, thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trên 15 tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng cơ sở đảng, đảng viên
Xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, tỉnh Phú Thọ đã có cách làm hay, sáng tạo giúp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Ông Bùi Đình Thi, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, để triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, tỉnh đã đưa ra quan quan điểm chi đạo là “cấp ủy cấp tỉnh nắm đến tổ chức cơ sở đảng; cấp ủy huyện nắm đến chi bộ; cấp ủy cơ sở nắm đến đảng viên; đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình”.
Để cụ thể quan điểm này, nhiều địa phương như thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, huyện Yên Lập đã phân công cán bộ cấp huyện phụ trách, theo dõi và trực tiếp dự, chỉ đạo sinh hoạt đảng tại chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, phương, thị trấn. Cách làm này đã giúp đội ngũ cán bộ của huyện sâu sát tình hình thực tiễn ở cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đảng viên và nhân dân để tham mưu cho huyện ủy xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Từ đó các địa phương này đã nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở, góp phần tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, xây dựng Đảng bộ thành phố, thị xã, huyện ngày càng vững mạnh toàn diện.
Ông Bùi Đình Thi, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá một trong những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng là việc sắp xếp, kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng được thực hiện có hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo tinh gọn. Trong nhiệm kỳ 2015-2020 toàn tỉnh có 801 tổ chức cơ sở đảng, sau sắp xếp còn 755 tổ chức cơ sở đảng, giảm 46 tổ chức cơ sở đảng. Cùng với đó công tác sắp sếp tinh gọn bộ máy, giảm biên chế cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy hết sức quan tâm. Chỉ trong 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 đơn vị hành chính cấp huyện, để thành lập mới 28 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 52 đơn vị; kiện toàn, sắp xếp 1.0/2.887 khu dân cư, để thành lập mới 502 khu, giảm 536 khu.
Chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy có nhiều chuyển biến, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên được thực hiện nghiêm túc; công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém được các cấp ủy đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên bình quân hằng năm đạt 87,5%, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém hằng năm đều thấp hơn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra bình quân 0,7%. Bên cạnh đó, công tác thi đua khen thưởng được các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, dân chủ, công khai, đảm bảo mục đích, yêu cầu, nội dung theo quy định và sát với thực tế.
Công tác phát triển đảng viên mới, củng cố tổ chức đảng được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm chỉ đạo. Tỉnh đã quan tâm phát triển Đảng tại khu vực nông thôn, doanh nghiệp và đội ngũ đội trưởng, phó các khu dân cư và tổ dân phố. Chi tính từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh đã kết nạp được 13.742 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 2.748 đảng viên, khắc phục được 100% tình trạng khu dân cư chưa có đảng viên, chưa có chi bộ độc lập. Tỉnh cũng thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cấp ủy về công tác xây dựng đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bài cuối: Tiếp tục bứt phá đi lên