Trao đổi với phóng viên TTXVN tại La Habana, Tiến sĩ Ruvislei González Saez, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế của Cuba (CIPI), nhấn mạnh rằng sau 94 năm thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay đã trở thành tổ chức chính trị lớn thứ hai trên thế giới theo định hướng Mác-Lênin, với số lượng đảng viên đông đảo chỉ sau Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu người Cuba chỉ rõ nhờ những cải cách trong Đảng phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và các điều kiện khách quan cụ thể, kết hợp với các yếu tố lý luận và thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đóng vai trò lãnh đạo tuyệt vời trong việc cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Tiến sĩ Ruvislei González Saez, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo thành một bước ngoặt trong tiến trình phong trào dân tộc Việt Nam hướng tới độc lập 15 năm sau. Kinh nghiệm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh có được từ những chuyến đi và nghiên cứu tiến trình xã hội chủ nghĩa thế giới đã giúp Người cung cấp cho Đảng những kiến thức lý luận, nguyên tắc, tổ chức và hành động cách mạng.
Ngay từ khi ra đời năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cơ bản. Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khoảnh khắc khó khăn trên con đường đi đến chiến thắng cuối cùng. Sau 13 Đại hội toàn quốc, Đảng vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo với thế hệ lãnh đạo mới vẫn giữ vững tư tưởng Hồ Chí Minh. Di chúc của Người đã được thực hiện trọn vẹn và thậm chí còn có nỗ lực tiến xa hơn với tham vọng đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản vào năm 2045.
Sau khi giành được độc lập năm 1945, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với hai cuộc chiến tranh mà sau này được lịch sử thế giới nhìn nhận là một trong những cuộc xung đột có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20. Hậu quả của chiến tranh vẫn còn âm ỉ đến ngày nay, nhưng những nỗ lực của Đảng và nhân dân Việt Nam đã dẫn đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước.
Năm 1986, chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã thúc đẩy những chuyển biến đưa đất nước từ một trong 15 nước nghèo nhất thế giới trở thành một trong 15 quốc gia năng động về kinh tế nhất hành tinh vào năm 2023. Công cuộc Đổi mới không chỉ là đổi mới mô hình phát triển kinh tế - xã hội mà còn là con đường hướng tới vận mệnh mới.
Với quyết tâm vững chắc và đường lối sáng suốt của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã đứng vững và tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa vào những năm 1990 khi Liên Xô và chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu tan rã. Đảng Cộng sản Việt Nam khéo léo giải quyết những khác biệt với cựu thù và thông qua đường lối ngoại giao cây tre khôn ngoan, Việt Nam đã duy trì được mối quan hệ tuyệt vời với các cường quốc trên thế giới.
Cũng giống như bất kỳ tổ chức chính trị nào trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam phải đối mặt với vô số thách thức, nhưng điều quan trọng nhất là Đảng đã biết nhận diện vấn đề và quyết liệt giải quyết.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tăng lên. Trong hơn 20 năm, Việt Nam tăng trưởng kinh tế trên 5%, ngoại trừ thời điểm tồi tệ nhất do đại dịch COVID-19 như khi đó Việt Nam vẫn là một trong 5 quốc gia tăng trưởng mạnh nhất thế giới năm 2020 với 2,9%.
Những nghị quyết và những chỉ thị đầu tiên của Đảng Cộng sản trong những năm 1987-1989 đã đưa Việt Nam chuyển mình từ nước nhập khẩu gạo sang xuất khẩu. Sản lượng gạo của Việt Nam năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn và xuất khẩu kỷ lục khoảng 8,3 triệu tấn. Không chỉ trở thành cường quốc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ bao gồm máy tính, điện thoại và linh kiện, Việt Nam hôm nay là nước xuất khẩu hạt điều và hạt tiêu lớn nhất thế giới, đứng thứ hai về cà phê và giày dép, và là một trong số 4 nhà xuất khẩu hàng đầu gạo và sản phẩm may mặc... Việt Nam cũng đồng thời là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới với hơn 18.000 tỷ USD và là một trong 5 quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất châu Á.
Tiến sĩ González khẳng định những số liệu nêu trên đã khiến quốc tế ngưỡng mộ Việt Nam. Việt Nam là hình mẫu về lý luận và thực tiễn cách mạng. Theo chuyên gia chính sách quốc tế này, một yếu tố quan trọng cần nêu bật là nỗ lực xã hội nhằm giảm nghèo. Ngân hàng Thế giới (WB) đã công nhận Việt Nam là một trong 15 quốc gia giảm nghèo thành công nhất trên thế giới. Cùng với Trung Quốc, Cộng hòa Kyrgyzstan và Moldova, Việt Nam đã xóa bỏ được tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2015. Từ 58% người dân sống trong nghèo đói năm 1990, đến hết năm 2023 con số này tại Việt Nam chỉ còn 2,9%.
Kết quả nêu trên có được là nhờ ưu tiên của Đảng trong việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của xã hội Việt Nam. Những thành tựu của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 94 năm qua chính là lời khẳng định đanh thép rằng đây là lực lượng chính trị hàng đầu, là hành động thiết thực tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.