Trên đây là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Awang Azman Bin Awang Pawi, thuộc trường Đại học Malaya, trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao (30/3/1973-30/3/2023).
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Awang cho biết dự kiến năm 2025, tại Malaysia, ngành thực phẩm Halal sẽ đóng góp 14 tỷ USD, chiếm 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Malaysia đã tái khẳng định vị thế là trung tâm Halal hàng đầu trên thế giới vào năm 2020 khi giá trị xuất khẩu các sản phẩm này hằng năm đạt 7,5 tỷ USD. Malaysia là quốc gia Hồi giáo có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực Halal như cung cấp chứng chỉ Halal, đào tạo, liên kết chuỗi…Là một quốc gia Hồi giáo cởi mở, Malaysia sẵn sàng hợp tác và hướng đến thị trường tiềm năng như Việt Nam vì những thế mạnh trong lĩnh vực hàng nông sản và thủy hải sản…
Đề cập đến những thế mạnh hai nước cần phát huy để tăng cường hợp tác, chuyên gia Awang cho rằng đó là chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, duy trì ổn định chính trị và thúc đẩy thị trường nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao và đưa ra chính sách kinh doanh thân thiện. Ông đồng thời bày tỏ tin tưởng hai nước sẽ có những bước tăng trưởng ấn tượng và trở thành những nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN.
Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia thép, thiết bị điện tử, trong khi đó Malaysia muốn xuất sang Việt Nam quặng và các sản phẩm liên quan đến dầu. Trong các lĩnh vực này hai nước đều có những thế mạnh có thể hợp tác. Trên cơ sở đó, quan hệ song phương sẽ được chú trọng hơn.
Đánh giá về mối quan hệ lâu bền trong nửa thập kỷ qua, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Awang nhận xét, nhìn vào lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Malaysia, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, trước khi Việt Nam hoàn toàn giành được độc lập vào năm 1975. Thời điểm sau chiến tranh, Malaysia cũng hỗ trợ Việt Nam tái thiết nền kinh tế bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật kinh tế. Đó là giai đoạn đầu tiên trong mối quan hệ giữa hai nước.
Vào thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995, Malaysia đã rất hoan nghênh quyết định này. Trong 50 năm thiết lập hữu nghị, hai nước đã ký rất nhiều biên bản ghi nhớ về hợp tác trong các lĩnh vực như ngoại giao, quân sự, lao động và thậm chí là công nghệ thông tin…Năm 2022, Việt Nam là đối tác thứ 11 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Malaysia. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang Malaysia lượng hàng hóa trị giá 1,07 tỷ USD. Trong khi đó, Malaysia đầu tư hàng trăm dự án tại Việt Nam với tổng trị giá 13 tỷ USD và nằm trong nhóm 10 nước đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang triển khai một số dự án tại Malaysia có trị giá khoảng 1 tỷ USD.
Trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 3/2022 của Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Ismail Sabri, hai nước đã đặt ra mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2025. Điều này cho thấy mối quan hệ của Việt Nam và Malaysia đang “đơm hoa kết trái”.
Tại các diễn đàn đa phương, hai nước cùng chia sẻ những vấn đề chung như quan điểm của ASEAN về an ninh quốc gia và thế giới, cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực. Hai nước cùng nhất trí giải quyết các bất đồng thông qua kênh ngoại giao và đối thoại hòa bình.
Đề cập đến các biện pháp thúc đẩy quan hệ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Awang cho rằng, một mặt hai nước cần thúc đẩy hợp tác kinh tế, một mặt cần tiếp tục khám phá những tiềm năng hợp tác khác. Ông gợi ý một số lĩnh vực tiềm năng như du lịch, giáo dục, năng lượng tái tạo, dịch vụ chăm sóc y tế ...Hơn nữa, hai bên chú trọng phát triển ngành công nghiệp Halal, an ninh lương thực, sản phẩm điện tử.
Theo ông, Việt Nam và Malaysia đều đã thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai nước đang có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu khi được hưởng những ưu đãi về thuế quan. Hơn nữa, tham gia CPTPP cũng đồng nghĩa với việc hai nước sẽ được rộng mở cánh cửa cung ứng hàng hóa, dịch vụ sang thị trường các nước lớn. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Awang bày tỏ tin tưởng năm nay Malaysia và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác và gặt hái được những thành quả tích cực.