Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về mối quan hệ song phương cũng như ý nghĩa của chuyến thăm. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Xin Đại sứ đánh giá những nét lớn về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ hiện nay, những dư địa và tiềm năng của mối quan hệ hợp tác này?
Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao. 70 năm qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã không ngừng phát triển và đạt nhiều thành tựu. Hiện nay, trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, mối quan hệ hữu nghị ngày càng được củng cố và tăng cường, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại.
Mối quan hệ chính trị, ngoại giao luôn được duy trì tốt đẹp. Hai nước đã đạt được sự hiểu biết, tin cậy cao về chính trị và coi nhau là đối tác quan trọng để phát triển quan hệ. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp nhằm thắt chặt và thúc đẩy mối quan hệ song phương. Hai nước cũng chia sẻ quan điểm về việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực, thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, ký kết nhiều văn bản quy định các khuôn khổ hợp tác như Hợp tác nghiên cứu chiến lược; chia sẻ thông tin và quản lý xuất nhập cảnh; phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia… Hai nước tích cực hợp tác trong các lĩnh vực cử lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ), quân y … Mông Cổ đã giúp Việt Nam xây dựng Đoàn cảnh sát kỵ binh cơ động. Hai nước cũng tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế như LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)… và các tổ chức khu vực khác. Mối quan hệ này được thúc đẩy trên cơ sở chia sẻ lợi ích chung về hòa bình, phát triển và ổn định.
Hợp tác về kinh tế - thương mại không ngừng được tăng cường và mở rộng, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt trên 130 triệu USD. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ còn khiêm tốn nhưng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng từ Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ nông sản và nguyên liệu từ Mông Cổ, như than đá, thịt bò, dê, cừu và các sản phẩm từ gia súc. Hiện nhiều sinh viên Mông Cổ đang học tập tại Việt Nam và ngược lại. Hai bên cũng hợp tác trong các hoạt động giao lưu văn hóa và nghệ thuật nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu của hai nước đã được dịch sang tiếng của nhau. Đặc biệt, từ năm 1980, Mông Cổ đã đặt tên trường liên cấp số 14 tại Thủ đô Ulaanbaatar mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trường là biểu tượng hợp tác giữa hai nước, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa vào những ngày lễ lớn của Việt Nam.
Nhìn chung, có thể thấy quan hệ Việt Nam - Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp. Về kinh tế, hai bên có thể tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh như khai khoáng, luyện thép, xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chăn nuôi. Về du lịch, do sự khác biệt về khí hậu, địa lý, hai nước có các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách của nhau. Cả hai nước đều đặt mục tiêu phát triển ngành du lịch và đã miễn thị thực cho du khách, mở các đường bay thẳng, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy giao lưu nhân dân và văn hóa. Nông nghiệp cũng là lĩnh vực tiềm tàng cho hợp tác giữa hai nước. Mông Cổ có thế mạnh về chăn nuôi, Việt Nam có thế mạnh về trồng trọt và sản xuất thực phẩm. Hai nước có thể hợp tác trao đổi công nghệ, kinh nghiệm và sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam và Mông Cổ cũng có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và trao đổi công nghệ, nhất là trong nông nghiệp, chăn nuôi và sản xuất công nghiệp. Điều này sẽ tạo ra các cơ hội phát triển bền vững cho hai nước. Ngoài ra, hai nước cùng còn nhiều khả năng và lợi thế để hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, viễn thông, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc, dược phẩm, khai thác khoáng sản...
Xin Đại sứ cho biết chuyến thăm Mông Cổ sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đem lại những xung lực mới nào cho mối quan hệ song phương? Những lĩnh vực hợp tác nào với Mông Cổ dự kiến sẽ được thúc đẩy sau chuyến thăm đáng chú ý này?
Chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ mang tính lịch sử, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, góp phần quan trọng định hướng và mở ra triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước, tạo ra động lực mới cho quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực trọng tâm như thương mại, nông nghiệp và giao thông vận tải.
Cụ thể, về thương mại và logistics, hai nước đã thống nhất tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực logistics, vận tải đường sắt, đường biển và đường không nhằm tăng cường trao đổi hàng hóa và thương mại song phương trong thời gian tới; thống nhất việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu và kiểm dịch nông sản như thịt dê, cừu từ Mông Cổ và thịt, trứng gia cầm từ Việt Nam. Theo tôi, hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ được thúc đẩy theo hướng thực chất, hiệu quả và toàn diện hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối hợp tác doanh nghiệp được tăng cường, mở rộng; các chính sách nhằm cải thiện môi trường, khuyến khích và bảo hộ đầu tư sẽ được tăng cường nhằm thu hút đầu tư hai nước. Các lĩnh vực như giao thông vận tải, lao động, du lịch, văn hóa, giáo dục sẽ được thúc đẩy theo hướng thực chất và toàn diện. Diện học bổng của chính phủ hai nước cũng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu sinh viên của hai bên. Ngoài ra còn phải kể đến một số lĩnh vực khác như khoa học, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu cũng sẽ được tăng cường và thúc đẩy.
Xin cảm ơn Đại sứ!