Có nên tăng độ tuổi trẻ em lên 18?

Ở châu Á chỉ còn 3 nước, trong đó có Việt Nam chưa nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi theo quy định của Công ước quốc tế. Vậy có nên tăng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi hay không? Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về vấn đề này.

 

´Thưa ông, vì sao phải tăng độ tuổi pháp lý của trẻ em từ 16 tuổi lên 18 tuổi?


Hiện nay trên thế giới chỉ còn khoảng 10% quốc gia quy định tuổi trẻ em thấp hơn tuổi quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em là 18 tuổi. Tuy công ước không ràng buộc về tuổi của trẻ em phải đến 18 tuổi, nhưng nếu tuổi trẻ em được kéo dài sẽ tạo điều kiện chăm sóc, tạo nguồn nhân lực tốt hơn. Chất lượng nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng cho sự phát triển và tương lai đất nước.


Bên cạnh đó, xuất phát từ khung pháp luật hiện nay, ngưỡng tuổi trưởng thành của công dân là 18 tuổi. Ví dụ, tuổi kết hôn là 18 tuổi đối với nữ, tuổi bầu cử là 18 tuổi, tuổi nghĩa vụ quân sự là 18 tuổi, chịu trách nhiệm dân sự và hình sự đầy đủ là đủ 18 tuổi... Hiện tuổi trẻ em trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa phù hợp với chính hệ thống pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, liên quan đến các chính sách về trẻ em, quy định độ tuổi trẻ em và người thành niên chưa thống nhất dẫn đến nhiều lỗ hổng của chính sách đối với nhóm đối tượng là người đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Nhóm người ở độ tuổi này có những thay đổi bản lề về tâm lý, sinh lý, đạo đức, lý tưởng… quyết định sự tham gia của mỗi cá nhân vào đời sống gia đình, xã hội.

 

´Việc tăng độ tuổi như vậy sẽ đem lại lợi ích gì cho trẻ em, thưa ông?


Xét về mọi khía cạnh như khoa học, tâm lý học, sinh học, pháp lý, xã hội, kể cả khía cạnh nguồn nhân lực,... đều chỉ ra sự cần thiết phải nâng độ tuổi của trẻ. Ngay từ năm 2004, nhiều nhà khoa học và chuyên gia pháp lý đã đồng tình cần phải hài hòa quy định về tuổi trẻ em nước ta với Công ước LHQ về quyền trẻ em. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, còn có nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện về kinh tế-xã hội, về nguồn lực để tổ chức, triển khai quy định nâng tuổi trẻ em chưa khả thi...


Chúng ta phải cân nhắc lợi ích và hiệu quả của sự đầu tư cho trẻ em nói chung, lứa tuổi 16-18 nói riêng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, việc sửa đổi luật và quy định tuổi của trẻ chính là quan tâm sâu hơn với trẻ em và người chưa thành niên. Cụ thể, sẽ hạn chế được tiêu cực và hạn chế tình trạng phạm tội của trẻ em và người chưa thành niên. Việc sửa quy định về tuổi trẻ em cũng là làm pháp luật, chính sách thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên hơn, góp phần quan trọng trong việc giáo dục trẻ, nhất là những trẻ em hư, trẻ có biểu hiện vi phạm pháp luật.

 

´Việc tăng độ tuổi trẻ em có ảnh hưởng đến văn bản pháp luật hiện hành liên quan không, thưa ông?


Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi này, chẳng hạn, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tuổi hôn nhân của phụ nữ là 18 tuổi và nam là 20 tuổi. Nếu nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi thì vẫn nên giữ nguyên tuổi kết hôn như hiện nay. Điều này xuất phát từ tâm sinh lý và ngưỡng phát triển của con người đã được khẳng định. Điều quan trọng cần phải quy định bổ sung các điều kiện khác như năng lực chịu trách nhiệm về gia đình, xã hội, điều kiện về tự lập, về kinh tế...


Liên quan đến Luật Hình sự, cần nghiên cứu, sửa đổi theo hướng tăng điều kiện giáo dục, giảm mức hình phạt, giảm thời gian thực hiện hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội - gọi là xử lý chuyển hướng. Hiện nay, tình trạng phạm tội ở người chưa thành niên có xu hướng phức tạp, đặc biệt một số vụ án nghiêm trọng điển hình do người chưa thành niên gây ra. Dư luận xã hội đặt ra câu hỏi có nên tăng hình phạt đối với người chưa thành niên và trẻ em phạm tội không? Câu trả lời của những người bảo vệ, chăm sóc trẻ em là không, vì đó không phải là giải pháp hiệu quả.


T.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN