Có phải lời ước hẹn

Một đêm cuối năm buốt giá. Một màn hình cỡ đại căng ra ven hồ Văn Chương hút gió. Gần hai chục dân nghiền bóng đá Hà thành rúm ró bên cốc bia hơi đã nhạt nhẽo từ chập tối, dõi theo trái bóng lăn tận bên thành Luân Đôn.


Không mấy ai quen ai nhưng họ nhanh chóng trở thành những bình luận viên nhiệt thành. Người này đưa đẩy, theo đuôi câu nói của người kia. Rồi tất cả cùng nín thở, choàng lên hò hét ầm ỹ. Góc nhỏ ven hồ như vỡ òa khi trái bóng lăn vào lưới.

Muôn triệu con tim cùng nhịp đập, cùng cảm xúc trong khoảnh khắc giống nhau đó. Dù ở Việt Nam, bên Anh Quốc hay những xóm nghèo đâu đó ở châu Phi, Mỹ Latinh, những tín đồ môn túc cầu giáo cùng hòa điệu các cung bậc cảm xúc hồi hộp, vui mừng hay nuối tiếc. Cho đến nay, chưa có phương tiện truyền thông nào có thể thay thế được màn ảnh truyền hình trong việc tạo nên khoảnh khắc cảm xúc chung của hàng tỷ người trên hành tinh như vậy.

21 năm sau một quyết định

Dù ở cấp độ phát triển ban đầu, truyền hình có ở cả hai miền Bắc và Nam trước Giải phóng năm 1975. Vào thời điểm các kênh truyền hình trăm hoa đua nở, những cơ quan truyền thông lớn bắt đầu tiếp cận loại hình thông tin này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ấn nút khai trương Vnews. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Vốn được biết đến chủ yếu với loại hình phát thanh, cách đây vài năm, Đài Tiếng nói Việt Nam đã khởi sự làm báo hình trên hệ phát thanh có hình. Việc Đài Tiếng nói Việt Nam phát triển thêm loại hình báo chí thời thượng khiến người ta nhớ lại “mối duyên đầu” rằng sóng truyền hình Việt Nam ra đời trong buổi phát hình đầu tiên năm 1970 phần nào từ một bộ phận được hình thành trong Đài Tiếng nói Việt Nam.


Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, trước yêu cầu đối ngoại, cần tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, những hình ảnh truyền hình đã được sản xuất trong muôn vàn khó khăn. Một số chuyên gia được cử đi học làm truyền hình ngắn hạn ở Cuba khi đó đã chung tay xây những viên gạch đầu tiên cho ngành truyền hình.

TTXVN có truyền thống gắn bó với loại hình thông tin văn bản. Trước khi ra mắt hàng loạt tờ báo của ngành vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, thông tin của TTXVN phần lớn gián tiếp đến với độc giả qua các báo, đài phát thanh và truyền hình.


Tôi còn nhớ hình ảnh những phát thanh viên truyền hình “đọc chay” bản tin vừa rời khỏi máy chữ của Ban biên tập Tin trong nước TTXVN. Thời ấy, truyền hình khá vất vả mới có được nhiều hình ảnh minh họa. Vậy giờ đây, cơ quan thông tấn duy nhất ở nước ta đã bắt tay vào lĩnh vực truyền hình với ý tưởng xây dựng kênh truyền hình chuyên biệt tin tức chính luận đầu tiên ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu đối ngoại trong và ngoài khu vực.

Phóng viên Đình Lanh (Trưởng Phân xã TTXVN tại LB Nga) tác nghiệp tại công trình xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thương mại Hà Nội - Mátxcơva.


Tôi có lần ngần ngại hỏi chuyện lịch sử ý tưởng làm truyền hình ở TTXVN với nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng. Ông bộc bạch: “Chuyện đã xưa rồi. Dự định, ước muốn của thế hệ chúng tớ, giờ đã được nhìn thấy”.


Tôi hiểu ông muốn tìm một góc khiêm nhường, nhưng sự nhiệt thành, máu lửa lại không giấu nổi dù tuổi đã xa ngưỡng “thất thập cổ lai hy”. Và thế là ông bắt đầu câu chuyện từ năm 1989, lãnh đạo Đảng và Chính phủ đồng ý cho TTXVN thành lập tổ Video Press, thuộc Báo Ảnh Việt Nam, để hướng tới làm truyền hình. Trải qua bao thăng trầm, phải đến 21 năm sau, năm 2010, chính trên nền đất 79 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, kênh Truyền hình Thông tấn (Vnews) ra đời. Có phải lời ước hẹn hay bắt đầu cho lời ước hẹn?

Đi tìm chỗ đứng

Trong một ngày đầu năm, lãnh đạo TTXVN thông báo trong cuộc họp toàn thể cán bộ rằng một số nước trong khu vực đã xem được Truyền hình Thông tấn nhờ tín hiệu vệ tinh. Đại sứ Việt Nam tại Lào Tạ Minh Châu gửi lời chúc mừng TTXVN và nhắn nhủ rằng ông thường xuyên xem kênh truyền hình của TTXVN.


Một thông tin có vẻ như bình thường với hầu hết gương mặt trẻ măng mới qua kỳ thi tuyển vài tháng, nhưng tôi biết với những người đang trăn trở về con đường phát triển truyền hình, đó là một tín hiệu.


Từ vệ tinh, kênh truyền hình sẽ có cơ sở đến được các tỉnh, thành trong cả nước và vươn tới nước ngoài. Có thể vẫn là giấc mơ về một ngày nào đó, không chỉ cộng đồng người Việt ở nước ngoài xem kênh Vnews mà nó sẽ hiện diện trong hệ thống truyền hình cáp ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Phóng viên Truyền hình Thông tấn tác nghiệp.


Lẫn trong vô vàn cuốn sách dạy kinh doanh, tạo thương hiệu bày bán ở các sạp, cuốn sách mỏng “Khác biệt hay là chết” của Jack Trout và Steve Rivkin đã ám ảnh tôi mỗi khi nhớ lại những buổi được dự họp bàn về truyền hình.


Chuyện lớn chẳng mấy ai nói ra chốn đông người nhưng tôi dám tin rằng câu chuyện làm truyền hình ở TTXVN đã được xới lên ở khá nhiều cuộc xôm tụ dân dã.


Đa phần là chuyện của chính người trong cuộc với trăn trở tìm cách vỡ hoang, dò đường. Nối tiếp và nối tiếp các cuộc họp bàn mà những gương mặt đa phần là căng thẳng, không ít hoài nghi. Có những thời điểm sự dồn nén tưởng chừng như có thể làm vỡ ra từng mảnh nhỏ vừa lắp ghép.

Day dứt cũng phải vì mặc dù cùng chung ngôn ngữ làm nghề, nhưng chưa có mô hình làm truyền hình nào giống như phương án được lựa chọn ở TTXVN. Anh em cứ nói vui là không thể “nhân bản”, là “triết lý”, vì nó mang đặc thù của một cơ quan thông tấn, dựa trên nền tảng phát triển của TTXVN.


Không nhiều điểm mạnh để khởi động làm truyền hình, thậm chí có điểm mạnh còn đang ở dạng tiềm năng, nhưng những người hoạch định chiến lược đã chắt lọc, lựa chọn chính xác các điểm tựa.

Con đường đang rộng mở. Thêm bạn đồng hành. Phía xa xa vẫn là những ngọn núi lam, mờ hơi Xuân.

Vũ Duy Hưng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN