Đề án đưa ra nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt, nâng cao chất lượng đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Đáng chú ý, sẽ đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép đối với cơ sở đào tạo không đạt chuẩn.
Mục tiêu của đề án nhằm tăng cường quản lý nhà nước, khai thác hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo chất lượng của đội ngũ lái xe. Đồng thời, phát huy hiệu quả của các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch hiện có quy mô theo hướng hiện đại, phù hợp với khả năng đầu tư và đặc điểm của từng địa phương.
Đề án sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như: quy hoạch, chiến lược và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý Nhà nước; kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; nâng cao sát hạch lái xe; giải pháp về nâng cao chất lượng quản lý, cấp giấy phép lái xe, cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe; quản lý lái xe sau khi đào tạo và quản lý lái xe kinh doanh vận tải...
Đáng chú ý, liên quan đến giải pháp về quy hoạch, chiến lược và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo hướng tăng các chế tài xử phạt khi vi phạm.
Cụ thể, thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô, giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động; thu hồi thẻ sát hạch viên, giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe đối với các cá nhân có hành vi tiêu cực trong quá trình đào tạo, sát hạch và có thể cấm tham gia các hoạt động liên quan đến đào tạo, sát hạch lái xe tùy theo mức độ vi phạm.
Với giải pháp về kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát đào tạo lái xe tại tất cả các Sở Giao thông Vận tải trong toàn quốc. Xử lý nghiêm, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép đào tạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn.
Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và các địa phương trong quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ người lái xe khi tham gia giao thông cũng như khi tham gia học, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Về giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, cấp giấy phép lái xe, cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe, không để xảy ra tình trạng người bị tạm giữ giấy phép lái xe giả khai báo mất để được cấp lại giấy phép lái xe.
Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì triển khai thực hiện đề án từ tháng 1/2019 và kết thúc vào tháng 12/2020 đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.