Với sức sống mãnh liệt, sau ngày non sông thu về một mối, vùng đất lửa hoang tàn đang vươn mình trỗi dậy. Đường 9 huyền thoại năm xưa nay là Quốc lộ 9 nằm trong hệ thống "mạch máu giao thông" vùng duyên hải miền Trung, là con đường góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước…
"Còn da - lông mọc, còn chồi - nảy cây"...
Hướng Hóa - Quảng Trị, mảnh đất biên giới có Đường 9 - “con đường không vui” một thời của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đi qua. Sau chiến tranh, Hướng Hóa là địa phương đặc biệt khó khăn. Nhưng trên con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, hơn 20 năm trở lại đây, Hướng Hóa dần lấy lại được vị thế của một huyện Anh hùng.
Năm 2008, Hướng Hóa đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Công tác giảm nghèo trên địa bàn đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm hơn 3,3%, từ gần 34,6% vào đầu năm 2016 đã giảm xuống còn 21,25% vào đầu năm 2020. Đặc biệt, công nghiệp năng lượng có sự phát triển vượt bậc, các chương trình dự án điện gió đã và đang triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Nhớ lại những năm tháng khó khăn, ông Hồ Xuân Dừng (81 tuổi), thôn Húc Váng, xã Húc, huyện Hướng Hóa chia sẻ: Trong kháng chiến, đồng bào Pa Cô, Vân Kiều một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ. Bản thân ông cũng nhập ngũ, được biên chế vào Tỉnh đội Quảng Trị. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, gia đình ông Dừng đã cùng với bà con dân bản tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược, tải thương. Sau chiến tranh, Hướng Hóa hoang tàn, nghèo nàn, đồi núi trơ trọi vì chất độc điôxin. Giờ đây dọc Quốc lộ 9 đã có rất nhiều nhà máy được xây dựng. Hai bên đường có rất nhiều vùng chuyên canh cây trồng theo công nghệ cao, quy mô lớn, thay thế cho phương thức sản xuất lạc hậu phát nương làm rẫy của bà con trước kia. Đặc biệt, khi cửa khẩu Lao Bảo đi vào hoạt động, các hoạt động buôn bán, giao thương với nước ngoài nhộn nhịp hẳn lên trên tuyến đường này.
“Cuộc sống bà con ngày một khấm khá hơn”, ông Hồ Xuân Dừng nói.
Ông Hồ Viết Lộc, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa chia sẻ, gia đình ông trồng 11 ha chuối, trong đó có 1 ha tại xã Tân Lập và 10 ha chuối ở Lào. Nhờ có Quốc lộ 9 và Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo mà mỗi lần vào vụ thu hoạch, việc vận chuyển chuối về chợ chuối Tân Long được dễ dàng hơn. Thương lái cũng thuận lợi hơn trong xuất khẩu nông sản.
“Trước chỉ là con đường rải đá nhỏ hẹp, nay Quốc lộ 9 rộng rãi nên việc đi lại, buôn bán thuận tiện hơn trước. Nhiều gia đình cũng đã thoát nghèo vươn lên khá và giàu. Con đường đến trường vì thế cũng ngày càng dễ dàng hơn cho con em trong xã”, ông Hồ Viết Lộc nói.
Nói về sự khởi sắc của Hướng Hóa, Bí thư huyện Hướng Hóa Lê Minh Tuấn cho hay: Quốc lộ 9 chạy qua địa bàn huyện đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thông thương hàng hóa, liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, hợp tác quốc tế. Vừa qua, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được chính phủ lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển, sẽ là một lợi thế quan trọng để phát triển kinh tế của huyện trong thời gian tới. Qua đó, góp phần khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại gắn liền với du lịch, hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực như: Lào, Thái Lan, Myanmar…
Sự đổi thay, khởi sắc ở vùng đất lửa năm xưa có thể nhìn thấy rõ qua hoạt động xuất nhập khẩu sầm uất tại Lao Bảo. Năm 2020, đã có 134.766 lượt phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh; hơn 326.000 lượt hành khách xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 329 triệu USD; thu nộp ngân sách nhà nước đạt trên 153 tỷ đồng. Tuyến đường vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu quá cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo rất đa dạng, gồm: Hàng linh kiện điện tử, máy móc thiết bị từ Singapore, Malaysia quá cảnh qua Thái Lan, Lào, Việt Nam đi Trung Quốc và ngược lại. Nguyên liệu giấy từ Canada, Mỹ, Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam đi Lào và ngược lại sản phẩm bột giấy từ Lào quá cảnh qua Việt Nam (Lao Bảo, Đà Nẵng, Chu Lai) đi Trung Quốc và châu Âu. Hàng may mặc, tiêu dùng từ Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam, Lào, đi Thái Lan; Linh kiện phụ tùng ô tô từ Thái Lan quá cảnh sang Lào về Việt Nam.
Chia sẻ về lợi ích rất lớn của Quốc lộ 9 đối với các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, ông Lê Doãn Xuân, Công ty cổ phần Đại lý Vận tải Safi cho biết, Safi chuyên hoạt động các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải như đại lý vận tải; đại lý ủy thác quản lý container và giao nhận hàng hóa; khai thác, thu gom hàng hóa và vận tải nội địa; vận tải hàng hóa quá cảnh đi Lào, Campuchia và ngược lại…
“Vì kinh doanh vận tải hàng hóa nên Quốc lộ 9 đối với doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Tuyến đường này thuận lợi hơn những nơi khác bởi đường ít đèo dốc, bằng phẳng, lưu thông dễ dàng, thuận tiện, tốc độ lưu thông hàng hóa lớn. Bên cạnh đó, cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đensavẳn thực hiện tiêu chí “Một cửa, một điểm dừng” giải quyết các thủ tục hành chính đã tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp phát triển. Hơn nữa, Quốc lộ 9 nằm ngay đầu cầu của Tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, nên thuận tiện cho việc chuyên chở, buôn bán hàng hóa sang nước khác”, ông Lê Doãn Xuân cho hay.
Con đường thông thương, hợp tác
Ông Nguyễn Minh Kỳ đã từng tham gia chỉ đạo và trực tiếp cầm quân chiến đấu trên tuyến Đường 9 - Nam Lào, 9 lần được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 1999-2004. Nhớ lại buổi đầu tái thiết, xây dựng Quảng Trị và mảnh đất Hướng Hóa nói riêng, ông chia sẻ: Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng vào ngày 1/5/1972. Sau ngày non sông thống nhất, trăn trở các thế hệ lãnh đạo Quảng Trị là câu hỏi: Làm thế nào để người dân không còn đói nghèo, lạc hậu và có cuộc sống ấm no?
Lúc bấy giờ 5 nhiệm vụ mũi nhọn được tỉnh Quảng Trị đưa ra gồm: Ổn định tư tưởng chính trị cho người dân; hạn chế thiệt hại do bom đạn gây ra sau chiến tranh; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; bảo vệ thành quả của kháng chiến; xây dựng chính quyền từ cơ sở đến tỉnh.
Quảng Trị đã thực hiện chính sách di dân từ các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh… lên xây dựng kinh tế mới tại gò đồi Hướng Hóa. Và một trong những hướng đi đúng là Quảng Trị nhận thấy và xác định, hạ tầng giao thông, đô thị có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và ổn định cuộc sống của người dân. Trong đó, với vị trí và đặc điểm địa lý riêng, Quốc lộ 9 giữ vai trò quan trọng.
Thực tế những năm sau này đã cho thấy, đây không chỉ là tuyến giao thông trọng điểm với Quảng Trị mà còn với vùng duyên hải miền Trung. Quốc lộ 9 kết nối với các trục dọc Bắc - Nam và trục ngang Đông - Tây. Vị trí và lợi thế của Quốc lộ 9 là rất rõ trong phát triển kinh tế, giao thông, thông thương với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan. Cũng vì vậy, tỉnh đã có những chính sách nhằm tận dụng, khai thác lợi thế từ Quốc lộ 9 như thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ dọc theo hành lang Quốc lộ 9. Trong đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu với trọng tâm là Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo là một bước tiến lớn.
Sự hợp tác chặt chẽ, phát triển giữa tỉnh Quảng Trị và nước bạn Lào thông qua cặp Cửa khẩu Lao Bảo - Đensavẳn đã mở ra con đường thông thương hợp tác kinh tế và thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển, thông thương hàng hóa, qua lại, giao lưu, buôn bán sầm uất. Quảng Trị cũng thu hút mạnh các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tập trung phát triển giao thương hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Hướng đi đúng và những chủ trương, chính sách hợp lý đã góp phần giúp Quảng Trị vượt qua vô vàn gian khó, từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu và đạt được những kết quả nổi bật. Hiện tại, mặc dù vẫn đang trong nhóm tỉnh nghèo của cả nước, song Quảng Trị đang có nhiều lợi thế đặc thù và cũng đang đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn.
Minh chứng là năm 2020 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 19.970 tỷ đồng, có 16 trên tổng số 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Quảng Trị đã trở thành tỉnh có mức tăng trưởng đứng thứ 4 trong 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung. Toàn tỉnh đã có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 56,4%. Song song với phát triển kinh tế, các nhiệm vụ về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững cũng như các chế độ chính sách, ổn định đời sống Nhân dân luôn đảm bảo; quốc phòng - an ninh được giữ vững./.
Bài cuối: Động lực mới cho phát triển trong tương lai