Trao đổi bên lề Quốc hội với phóng viên TTXVN, các đại biểu đều đồng tình và ủng hộ việc cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để chính sách thuế ngày càng hoàn thiện, phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về mức thuế suất, đối tượng chịu thuế, đặc biệt cần đảm bảo quyền lợi cho nông dân, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Cân nhắc về định hướng tăng mức thuế suất phổ thông
Định hướng tăng mức thuế suất phổ thông là vấn đề rất cần cân nhắc. Vì hiện nay muốn khuyến khích, thúc đẩy sản xuất thì phải giảm thuế. Nếu tiếp tục tăng thuế giá trị gia tăng sẽ xảy ra tác động ngược so với mong muốn. So với mặt bằng chung của thế giới, thuế của Việt Nam có thể vẫn thấp nhưng nếu so với các nhóm nước đang phát triển lại không phải là thấp.
Do đó, việc cải cách thuế hướng vào tăng thuế giá trị gia tăng cần được cân nhắc kỹ. Trên thực tế, Việt Nam còn có dư địa cải cách thuế ở nhiều lĩnh vực khác. Điển hình như thuế tài sản, hầu như chưa thu được đồng nào trong khi thuế tài sản sẽ điều tiết thu nhập, hoạt động của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người có thu nhập cao, tài sản lớn.
Đơn cử như nếu tăng thuế giá trị gia tăng lên 5% đối với phân bón nhập khẩu vào bán cao hơn mức hiện nay thì có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu. Nhưng ở góc độ người nông dân sẽ chịu mức thuế 5% cộng vào giá bán, rất bất lợi cho sản xuất. Bởi vậy không nên áp dụng quy định này, nhất là khi Việt Nam đang lấy nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế, do đó phải tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.
Riêng việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024, tôi lại rất đồng tình. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai giảm thuế thì mục tiêu giảm giá hàng cuối cùng đến người tiêu dùng nhưng có lẽ số lượng người tiêu dùng được hưởng không nhiều, trừ trường hợp mua hàng có hóa đơn chứng từ. Còn phần lớn hàng hóa dịch vụ đang tiêu dùng hiện nay gần như không có hóa đơn chứng từ.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Người nông dân bị thiệt là bất cập lớn nhất
Về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024, rõ ràng chúng ta giảm thuế không theo kế hoạch, dự báo dài hạn mà thực hiện một cách chắp vá, có thể nói là "chính sách giật cục". Cho nên rất khó khăn cho các đơn vị dự toán, nhất là tại các địa phương. Đầu năm dự toán có khoản thu, nhưng sau đó chính sách điều chỉnh sẽ không còn khoản thu đó mà phải bù đắp từ nguồn khác. Như vậy sẽ vỡ kế hoạch thu, đây là khó khăn cho các địa phương.
Thứ hai, chúng ta vẫn xử lý tình huống như giai đoạn dịch COVID-19, các chính sách vẫn trên cơ sở dịch bệnh. Trong khi đó, bối cảnh năm 2022 và đầu năm 2023 khác so với hiện tại, nhưng vẫn áp dụng dập khuôn một chính sách.
Cũng cần phải nhìn nhận hiệu quả chính sách này, nếu giảm thuế giá trị gia tăng 2%, mức thu sẽ giảm 24.000 tỷ đồng trong 6 tháng, 1 năm là 48.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế qua báo cáo tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm, tức là chính sách không cho thấy tác dụng kích cầu.
Đây là chính sách không thực sự là rõ ràng. Nhìn vào con số cụ thể, trong năm nay, tổng mức huy động thuế, phí trên GDP chỉ còn chưa đến 14%, trong khi nhiệm kỳ trước là từ 16 - 17 %.
Như vậy, chính sách "khoan thư sức dân" đang thực hiện rất rõ nét. Trong khi đó, nếu thu thuế cao, người dân, doanh nghiệp sẽ khó khăn, nhưng đổi lại sẽ giúp tăng nguồn lực chi ngân sách, qua đó tạo ra sức cầu, đặc biệt là chi tiêu công thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ cho nền kinh tế.
Do đó, phải xem xét thận trọng phương án nào tối ưu để lựa chọn, chứ không phải lúc nào cũng "bài cũ soạn lại".
Muốn tăng trưởng không phải chỉ có tăng sức cầu, mà phải từ cả các lĩnh vực khác như là đầu tư, do đó cần có nguồn tiền. Để có tiền đầu tư cần giữ nguồn thu ở mức hợp lý, không nên giảm thu nhiều gây thâm hụt ngân sách, các khoản chi tiêu không có. Đây là bài toán cần giải quyết, cho nên dự thảo luật lần này khiến tôi thấy rất băn khoăn. Do đó, cần giải trình một cách thấu đáo, toàn diện.
Còn về thuế giá trị gia tăng, tôi nhất trí về việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để chính sách thuế ngày càng hoàn thiện, phù hợp quốc tế, tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách hệ thống chính sách thu minh bạch, hiệu quả.
Tuy nhiên, trong phần chính sách thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) lần này, tôi thấy có một điểm đó là vấn đề sẽ chuyển sản phẩm phân bón, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt cá xa bờ, từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Trong khi đó, đây là những lĩnh vực hoàn toàn phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn.
Chúng ta đang có định hướng ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng lần này cải cách thuế lại tăng thuế đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Tăng thuế đầu vào, tức là tăng giá của các loại vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị đầu vào sản xuất nông nghiệp. Tăng giá đầu vào sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tăng chi phí của nông dân. Do đó, tôi cũng rất băn khoăn về điều này.
Bộ Tài chính đã có báo cáo đánh giá tác động chính sách này, lĩnh vực phân bón tăng thu 6.200 tỷ đồng, chưa nói tới các máy móc, thiết bị nông nghiệp. Bản chất của số tiền này là thu từ nông nghiệp, nông dân. Trong khi nông nghiệp, nông dân của Việt Nam đa số là sản xuất nhỏ lẻ, không có kế toán để khấu trừ đầu vào, đầu ra như doanh nghiệp. Do đó, 6.200 tỷ đồng này được cộng vào trong giá thành sản phẩm nông nghiệp, người nông dân sẽ bị thiệt, đây là bất cập lớn nhất.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang): Hàng hóa, dịch vụ biếu, tặng, cho với mục đích không phải chịu thuế
Hiện nay hàng hóa dịch vụ thuộc diện biếu - tặng - cho trong nước vì mục đích từ thiện vẫn thuộc diện chịu thuế với giá tính thuế được xác định bằng với giá của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh hoạt động này. Dự thảo Luật mới chỉ coi hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, chiến tranh được xếp vào diện không chịu thuế quy định tại khoản 26, điểm d, Điều 5. Như vậy, hàng hóa cho - biếu - tặng với mục đích từ thiện nhập khẩu thì mới không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Còn hàng hóa dịch vụ cho - biếu - tặng trong nước với mục đích từ thiện cũng vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Trong khi đó, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước là khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội. Nghị quyết 41 năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ "khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo". Pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện cũng coi chi phí ủng hộ địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, địa chỉ từ thiện là chi phí được khấu trừ.
Có nhiều trường hợp doanh nghiệp cho - biếu - tặng hàng hóa, dịch vụ vì mục đích từ thiện, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu. Nhưng nếu phải nộp thuế giá trị gia tăng cho lượng hàng hóa, dịch vụ này thì doanh nghiệp sẽ phải sử dụng tiền từ nguồn thu khác.
Trường hợp thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp như dịch COVID-19 vừa qua, không ít doanh nghiệp đã dừng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường để chuyển sang cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ công tác phòng chống dịch và tặng luôn cho nhà nước. Nếu khi đó vẫn yêu cầu doanh nghiệp này phải nộp thuế giá trị gia tăng cho những khoản đó thì sẽ rất bất hợp lý.
Do đó, có thể xem xét để bổ sung vào Điều 5 đối với các loại hàng hóa dịch vụ dùng để tặng - cho - biếu với mục đích từ thiện sẽ thuộc đối tượng không phải chịu thuế.