Qua hai lần được công nhận, Kiên Giang có 24 xã/thị trấn là xã An toàn khu và vùng An toàn khu, trong đó, huyện U Minh Thượng có 6/6 xã, huyện An Minh có 11/11 xã, thị trấn được công nhận, huyện Vĩnh Thuận có 7/8 xã, thị trấn được công nhận và vùng liên huyện U Minh Thượng - An Minh - Vĩnh Thuận thuộc tỉnh là vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho rằng, việc công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu đối với vùng đất truyền thống cách mạng vẻ vang, anh hùng trong chiến đấu, hăng hái thi đua trong lao động, sản xuất sẽ mở ra cơ hội mới cho huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và An Minh trên con đường xây dựng, phát triển và hội nhập.
Phát huy truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung đề nghị, các cấp chính quyền tiếp tục chung sức, đồng lòng quan tâm chăm lo nhiều hơn nữa cho gia đình chính sách, đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", nhất là dành sự quan tâm đặc biệt đối với các Mẹ và gia đình của Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền quan tâm bố trí nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các xã An toàn khu cách mạng; chủ động cân đối ngân sách địa phương, huy động nguồn lực khác hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại các xã An toàn khu, vùng An toàn khu cách mạng.
Toàn vùng U Minh Thượng ngày nay được xem là "cái nôi" cách mạng của tỉnh Rạch Giá, nay là tỉnh Kiên Giang. Mùa khô năm 1932, sự kiện Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang ngày nay được thành lập tại làng Vĩnh Thuận, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cách mạng ở vùng U Minh Thượng, đánh dấu mốc trưởng thành về mặt tổ chức.
Dưới dự lãnh đạo của tổ chức Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân khắp nơi trong vùng U Minh Thượng tiếp tục nổ ra, lực lượng vũ trang địa phương trong toàn vùng U Minh Thượng chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang của Quân khu tổ chức các trận đánh làm nên những chiến công vang dội như: Chiến thắng Cây Bàng (6/1946), chiến thắng Bàu Môn (3/1954), chiến thắng Xẻo Rô (10/1959), chiến thắng tiêu diệt chi khu Hiếu Lễ (1965), chiến thắng U Minh vào các năm 1969, 1970, 1971... bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn. Từ đó góp phần tạo ra cục diện chiến trường lợi thế cho cách mạng, làm phá sản các chiến lược chiến tranh của địch, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Ghi nhận những cống hiến, hy sinh, chiến công, thành tích của Đảng bộ, quân và dân vùng U Minh Thượng, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các huyện An Biên, Vĩnh Thuận; các xã Vĩnh Hòa (huyện U Minh Thượng), Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận), Đông Hưng, Đông Hòa, Đông Thạnh, Vân Khánh (huyện An Minh).
Việc công nhận xã An toàn khu là cơ sở quan trọng để Đảng và Nhà nước thực hiện các chính sách nhằm tri ân, nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần, sức khỏe, giáo dục, văn hóa của người dân sinh sống ở các xã An toàn khu bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của cả nước và từng địa phương.