Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo nhận định, để giữ vững và không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, khẳng định tính chính đáng, chính danh cầm quyền, trong những năm qua, Đảng không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của mình, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đạt được qua hơn 30 năm đổi mới.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Bàn về công tác cán bộ cần phải có quy hoạch cán bộ. Đồng chí Triệu Tài Vinh cũng chia sẻ một số kinh nghiệm về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ trong thực tiễn hiện nay. Từ hội nghị Trung ương 4 Khóa XI đến Trung ương Khóa XII, trong những vấn đề lớn, thì công tác nhận xét, đánh giá công tác cán bộ là khó nhất. Đánh giá thế nào cho đúng, cho trúng mà xuyên suốt. Lịch sử chính trị nội bộ, lịch sử bản thân ghi nhận cái đó là rất quan trọng. Rất nhiều cán bộ đánh giá ban đầu rất đúng, nhưng sau này không đảm bảo tính thường xuyên, liên tục.
Từ thực tiễn khi Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề: “Một cán bộ giữa nghĩ và nói, giữa nói và làm có đồng bộ không?”. Nghĩ và nói có thể khó quản lý, nhưng giữa nói và làm thì quản lý được.
“Với tư duy đó, từ Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII, chúng tôi nghĩ đến việc định tính và định lượng trong vấn đề nhận xét, đánh giá cán bộ. Công tác cán bộ ở đây bao gồm cả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển và kỷ luật cán bộ, chế độ chính sách coi như là quy chuẩn chúng ta làm tốt”, đồng chí Triệu Tài Vinh phát biểu.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh cũng khẳng định, đánh giá cán bộ luôn là khâu khó, nhưng không phải không có cách làm, vấn đề có mạnh dạn làm hay không. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ cần phát huy các nhân tố: Thứ nhất phải biết lựa chọn được vấn đề của địa phương mình; Thứ hai, là phải biết tổ chức thực hiện bằng các đề án cụ thể chứ không chung chung; Thứ ba là phải biết kích thích để hành động hành động tạo mũi nhọn. Khi anh có chính sách tốt phải kích thích những mũi nhọn đó hành động, thực hiện; Thứ tư phải có nhãn quan nhạy cảm chính trị xuất phát từ thực tiễn; Thứ năm, phải biết cách tiếp cận vấn đề thực tiễn trong điều kiện kinh tế thị trường. Cuối cùng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ phải đánh giá được vai trò của người đứng đầu. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đây là vấn đề quan trọng nhất mà Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI đã chỉ ra. Đó là những vấn đề để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ, phải kích hoạt được các nhân tố phát huy vai trò của người đứng đầu.
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng đã có ý kiến phát biểu, chỉ rõ: Trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cần đặc biệt qua tâm chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bởi nhà nước pháp quyền càng hoàn thiện thì càng củng cố được vai trò lãnh đạo của Đảng.
Vấn đề cốt lõi trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là phải bảo đảm được quyền lực lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, bảo đảm việc sử dụng quyền lực của Đảng đúng mục đích và lãnh đạo đạt được hiệu quả cao. Muốn làm được điều này trong tình hình mới, trước hết Đảng phải không ngừng xây dựng và chỉnh đốn theo hướng phát triển ngày càng trong sạch, vững mạnh; giữ vững được bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng của một đảng cách mạng chân chính, đặc biệt phải xây dựng được một đội ngũ đảng viên vững mạnh toàn diện, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Các ý kiến phát biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới, như vấn đề về trách nhiệm của đại biểu, trách nhiệm của đảng viên là đại biểu cơ quan dân cử - mối quan hệ kép cần xử lý trong đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng; việc hoàn thiện chế độ bầu cử của cơ quan nhà nước trong tương quan với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; mối quan hệ giữa đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với đổi mới tư duy phát triển kinh tế; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng với tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp…