Sáng tạo không ngừngĐại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov đánh giá cao ý tưởng xây dựng Công viên APEC nhân Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 của chủ nhà Việt Nam; cho rằng đây là nơi các thành viên APEC gửi những biểu tượng văn hóa của dân tộc mình nhằm thể hiện sự kết nối trong cộng đồng APEC.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 cùng các đại biểu bên tác phẩm tượng điêu khắc của nền kinh tế Nga tại Công viên APEC. Ảnh: TTXVN |
Nền kinh tế Nga mang đến Công viên APEC bức tượng tạc hình ảnh của phi hành gia Yuri Gagarin, người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ trong chuyến du hành lịch sử ngày 12/4/1961 trên tàu vũ trụ Vostok, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại và mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục không gian vũ trụ của nhân loại.
Đại sứ Konstantin Vnukov cho biết: “Ngay khi nhận được lời mời này, chúng tôi lập tức hưởng ứng tham gia. Sau khi tham khảo một vài ý tưởng, chúng tôi đã chọn ý tưởng sáng tác tượng Anh hùng Yuri Gagarin, người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ từ hơn 60 năm trước”.
Theo Đại sứ, Anh hùng Yuri Gagarin bước vào vũ trụ với đỉnh cao công nghệ thời đó. Sự kiện xảy ra đã hơn 60 năm nhưng vẫn là bài học nhắc nhở con người cần sáng tạo không ngừng để thúc đẩy hợp tác phát triển.
Đại sứ Konstantin Vnukov nhấn mạnh, nền kinh tế Nga muốn gửi thông điệp: Tất cả các nền kinh tế trên thế giới và nhân loại đều có khả năng mở ra những con đường mới như Yuri Gagarin, người đã mở ra con đường chinh phục không gian vũ trụ cho nhân loại.
Đa dạng văn hóa các thành viên APECĐại biểu Andi Dirgahayu Yudyachandra đến từ Indonesia nhận xét: Ý tưởng xây dựng Công viên APEC rất có ý nghĩa. Năm APEC 2015, chủ nhà Philippines đã đưa ra ý tưởng này và công viên APEC được xây dựng tại Thủ đô Manila. Đây là cách giúp quảng bá APEC một cách dễ dàng. Đến với Công viên APEC người dân có thêm hiểu biết về nền văn hóa của từng nền kinh tế thành viên khu vực này.
Đại biểu Andi Dirgahayu Yudyachandra cho biết: Tượng nghệ thuật của Indonesia làm bằng chất liệu aluminium có tên “Thuyền buồm Pinisi”. Đây là một chiếc thuyền buồm truyền thống lớn vượt đại dương có nguồn gốc từ các nhóm dân tộc Bugis – Makassar ở phía Nam Sulawes, Indonesia. Pinisi vẫn được sử dụng cho đến ngày nay và được xem như là phương tiện vận tải liên đảo tại Indonesia. Chiếc thuyền thể hiện khát vọng luôn muốn được chinh phục đại dương, chinh phục những chân trời mới của cư dân nơi đây.
Minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất
Sau khi cùng Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trồng cây tại khuôn viên Công viên APEC, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Papua New Guinea, ông Rimbink Pato bày tỏ vui mừng khi được thấy cây đại diện cho Papua New Guinea được trồng tại một khuôn viên đẹp ở Đà Nẵng, thành phố biển miền Trung tuyệt vời.
Tác phẩm điêu khắc nghệ thuật của nước chủ nhà Việt Nam trưng bày tại Công viên APEC. Ảnh: TTXVN |
Công viên APEC là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất, cùng nhau phát triển thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đúng như mục tiêu chương trình nghị sự của Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đề cập đến. Đó là vì sự phát triển, vì cuộc sống tốt đẹp hơn, công bằng hơn cho mọi người dân của các nền kinh tế APEC cũng như cho toàn thể nhân loại.
Giá trị nghệ thuật độc đáoCông viên APEC được xây dựng trên diện tích hơn 3.000 m2, trong đó sân gạch và lối đi bộ có diện tích 752 m2 (chiếm 24,7%); khoảng đất còn lại trồng cây xanh, thảm cỏ và đặt tượng nghệ thuật của các nền kinh tế thành viên APEC gửi tặng chủ nhà Việt Nam.
Một góc Công viên APEC trong ngày khai trương. Ảnh: TTXVN |
Nhiều tượng trong số này có giá trị nghệ thuật độc đáo và mang nhiều ý nghĩa đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điển hình như bức tượng của Hàn Quốc có tên: “Sự khởi đầu: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Chủ đề của Năm APEC 2017 là nguồn cảm hứng để Nhà điêu khắc Lee Joon Heeis sáng tác tác phẩm tượng của Hàn Quốc. Tác phẩm là sự diễn giải nghệ thuật về động lực bằng cách sử dụng “Jwibulnori”, một trò chơi truyền thống của Hàn Quốc. Những sắc màu đa dạng của tác phẩm điêu khắc này đã khắc họa nên hình ảnh của APEC và sự khởi đầu mới.
Hay như tác phẩm “Gắn kết” của tác giả Tan Wee Lit mang đến một trạng thái ảo giác vui tươi về không gian, cho thấy sự kết nối vô hình giữa các nền kinh tế APEC, vừa độc lập vừa gắn kết với nhau. Với màu sắc và sự phản chiếu của thép không gỉ là biểu tượng của sức mạnh và sự tinh tế trong mối quan hệ phát triển giữa các nền kinh tế với nhau. Tác phẩm của Australia mang tên “Nơi gặp gỡ” lại được thực hiện bởi sự kết hợp giữa Nhà điêu khắc William Stackhouse và nhóm nghệ sỹ Việt Nam. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ biểu tượng cho nơi gặp gỡ trong nền văn hóa của thổ dân Australia với chất liệu chủ yếu từ gỗ, thể hiện sự kỳ vọng và khát khao cho một tương lai tươi sáng và rộng mở.