Cử tri Hải Phòng quan tâm đến xu hướng phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội
Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đề nghị các cơ quan Trung ương nghiên cứu, đánh giá để trình Quốc hội thông qua phương án xây dựng Khu kinh tế thứ 2 tại thành phố Hải Phòng. Cùng với đó, cử tri kiến nghị các nội dung liên quan đến đảm bảo các giao dịch điện tử thông suốt, an toàn; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Cụ thể, cử tri đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động để hạn chế việc trục lợi hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời có cơ chế xử lý, chính sách pháp luật đủ mạnh bao gồm cả xử lý hình sự, cấm xuất cảnh đối với doanh nghiệp có dấu hiệu bỏ trốn ra nước ngoài.
Tham dự tiếp xúc cử tri tại huyện An Lão và quận Hồng Bàng, đại biểu Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri thành phố. Đại biểu khẳng định, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ và báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu thông tin về các kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng, đặc biệt là về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện thành phố đã thu hút trên 3 tỷ đô la Mỹ vốn FDI và là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút nguồn vốn này. Hải Phòng đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Đây vừa là động lực, vừa là tiền đề để Hải Phòng tiếp tục phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp. Lãnh đạo thành phố đang chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, đơn vị liên quan tạo mặt bằng sạch để sẵn sàng quỹ đất khi có các dự án đầu tư.
Cùng với đó, thành phố giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công. Nguồn lực này vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, vừa góp phần thay đổi diện mạo thành phố. Thành phố đã dành nguồn lực lớn từ vốn đầu tư công xây dựng một số dự án trọng điểm như: Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng; đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố.
Cùng với phát triển về kinh tế, Hải Phòng đạt kết quả nổi bật về văn hóa, xã hội, đặc biệt trong giáo dục, thành phố đã giành một Huy chương Vàng, hai Huy chương Bạc trong Kỳ thi Olympic Toán học và Olympic Vật lý Quốc tế.
Cử tri Lào Cai quan tâm đến phát huy giá trị di sản văn hóa
Ngày 27/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai.
Tại các buổi tiếp xúc, ông Hà Đức Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã thông tin đến cử tri về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước và tỉnh Lào Cai trong 9 tháng năm 2023; báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sau Kỳ họp thứ năm và nội dung chương trình hoạt động của Đoàn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV tới đây.
Theo đó, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 23/10 đến 29/11. Kỳ họp lần này, các đại biểu tập trung xem xét, thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến vào 8 dự án luật và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác.
Tại hội nghị, cử tri thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước 9 tháng năm 2023 và có những kiến nghị lên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.
Cử tri xã Tả Van, thị xã Sa Pa có ý kiến về việc quy hoạch đất đai, gắn quy hoạch và giữ gìn di sản ruộng bậc thang, có chính sách hỗ trợ các hộ dân canh tác; nâng cấp đường giao thông thôn xã Dền Thàng; đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nâng hạn mức vay cho mỗi hộ dân để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...
Cử tri xã Mường Hoa nêu ý kiến về giải quyết những vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cử tri phường Cầu Mây bày tỏ tâm tư về quy hoạch thị xã Sa Pa phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đời sống văn hóa, phong tục của đồng bào nơi đây.
Tại thành phố Lào Cai, cử tri xã Hợp Thành đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ dân tộc thiểu số khó khăn không thuộc các thôn đặc biệt khó khăn của thành phố Lào Cai nói riêng và của cả nước nói chung. Chính phủ xem xét có chính sách ưu đãi đối với giáo viên, học sinh các xã miền núi và đầu tư cơ sở vật chất đối với các xã khó khăn của thành phố. Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm chính sách phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn liền với du lịch nông nghiệp để tạo ra sinh kế cho người dân. Hiện nay, một số xã vùng cao của thành phố Lào Cai có tiềm năng về phát triển du lịch nông nghiệp nhưng trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn vướng mắc trong cơ chế và nguồn vốn.
Cử tri phường Bắc Cường đề nghị Bộ Lao động - Thương binh Xã hội xem xét sửa đổi Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 01/11/2019 của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội việc xác định dạng tật, mức độ khuyết tật chuyển cho cơ quan y tế thực hiện.
Cử tri phường Bình Minh có ý kiến để thuận lợi cho người dân khu vực biên giới đi lại giao thương giữa hai nước, đề nghị Chính phủ và Quốc hội nghiên cứu trao đổi với nước bạn có cơ chế đặc thù cho cư dân tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai tạo điều kiện để thu hút du khách nước bạn sang Việt Nam nhiều hơn để phát triển du lịch; đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung quy định về việc cấp bằng lái xe hoặc bắt buộc có chứng chỉ học kiến thức về an toàn giao thông mới cho phép sử dụng phương tiện xe gắn máy đối với các đối tượng trên.
Phòng Giáo dục thành phố nêu đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; đề xuất với Chính phủ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, viên chức ngành Giáo dục với nữ là 55 tuổi, nam 58 tuổi; đặc biệt, đề nghị Chính phủ nhanh chóng xây dựng chính sách tiền lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo.
Tại các nơi tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị và giải đáp một số nội dung cử tri phản ánh. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, huyện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị các sở, ngành có liên quan nghiên cứu giải quyết kịp thời cho nhân dân trong thời gian sớm nhất. Với những ý kiến thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan Trung ương, Đoàn sẽ tổng hợp và trình Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới.
Cử tri Thái Bình kiến nghị nhiều vấn đề về đời sống dân sinh
Trong hai ngày 26 - 27/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại 8 huyện, thành phố trên địa bàn.
Tại các điểm tiếp xúc, đại diện Đoàn đã thông tin tới cử tri nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 6. Theo đó, Kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc ngày 23/10 và bế mạc vào ngày 29/11/2023. Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tổ chức giám sát tối cao một số vấn đề.
Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn thông tin, tại Kỳ họp lần này Quốc hội sẽ thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Luật Đất đai (sửa đổi), cơ chế đặc thù trong phát triển giao thông đường bộ… đây là những nội dung mà người dân và doanh nghiệp quan tâm. Việc thông qua các nội dung này sẽ tháo gỡ được những nút thắt, chồng chéo, khơi thông Luật Đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kiến nghị một số vấn đề về nông nghiệp, nông thôn, cử tri Bùi Xuân Bách (xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương) cho rằng, chất lượng nước sạch ở một số địa phương chưa đảm bảo, áp lực yếu, tỉnh cần thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất của một số công ty để việc cung cấp nước sạch được đảm bảo. Tình trạng rác thải ùn ứ gây ô nhiễm môi trường đã xuất hiện ở nhiều khu vực nông thôn, các lò đốt hoạt động không hiệu quả, trái lại còn gây mùi khó chịu ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh và các vùng lân cận.
Đại diện cử tri 15 xã phía Nam của huyện Vũ Thư, ông Lê Văn Tỉnh (xã Tự Tân) kiến nghị việc chống tham nhũng cần thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt cần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản của các đối tượng tham nhũng. Về vấn đề sát nhập địa giới hành chính tại các địa phương, ông Lê Văn Tỉnh cho rằng các bộ, ban, ngành, địa phương cần tính toán hợp lý, tránh gây tốn kém, lãng phí các nguồn lực.
Cử tri Thái Bình còn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách đối với lực lượng thanh niên xung phong, người thờ cúng liệt sỹ, lực lượng cán bộ dôi dư sau khi sát nhập địa giới hành chính; cơ chế đặc thù cho hội người cao tuổi; công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng…
Tại các điểm tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Giải đáp kiến nghị của cử trivề vấn đề cung cấp nước sạch tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn cho biết, tỉnh đã rà soát, kiểm tra tất cả các điểm cung cấp nước sạch. Sau khi kiểm tra. đã phát hiện 19 điểm cung cấp nước còn yếu, chất lượng chưa đảm bảo, gây ảnh hưởng đến một bộ phận nhân dân. Vì vậy tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch, tăng cường kiểm tra giám sát các doanh nghiệp cung cấp nước sạch, tăng công suất, đầu tư thêm trang thiết bị để xử lý, đảm bảo chất lượng nguồn nước, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, các lò đốt rác thủ công được xây dựng trước đây đã xuống cấp, hoạt động không hiệu quả, tỉnh chủ trương không tái sử dụng lại mà tập trung nguồn lực xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao. Tỉnh đã giao cho mỗi huyện quy hoạch một khu xử lý rác thải, nhưng khi thực hiện nhà máy xử lý rác công nghệ cao phải xử lý liên tục, lượng rác tại một huyện không đủ cung cấp cho nhà máy hoạt động, vì thế phải xử lý rác thải của nhiều huyện.
Để giải quyết “bài toán” rác thải rất cần sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác công nghệ cao.