Hài lòng với phiên thảo luận, ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bạch Đằng (thị xã Kinh Môn) cho biết, cả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, các ý kiến tại hội trường đều rất xác đáng. Điều này cho thấy, các đại biểu Quốc hội đã sâu sát và chỉ ra được những vấn đề đặt ra trong thực tiễn triển khai các chương trình.
Theo ông Trần Văn Tặng, mục tiêu, tiêu chí đặt ra của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới rất phù hợp và kết quả mang lại cho người dân rất rõ nét. Thực tế sau một thời gian xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Bạch Đằng đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, cơ sở hạ tầng khang trang, người dân có nơi vui chơi cộng đồng, đời sống tinh thần được nâng cao... Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của người dân 26,5 triệu đồng; đến năm 2023, ước khoảng 84,6 triệu đồng/người/năm. An sinh xã hội được quan tâm, nhân dân phấn khởi. Có được kết quả này là nhờ địa phương trong quá trình triển khai Chương trình luôn lấy người dân làm trung tâm, lấy sức dân để lo cho dân, giảm hộ nghèo bền vững.
Từ nay đến năm 2025, để Chương trình đạt được mục tiêu đề ra, ông Trần Văn Tặng đề xuất, nguồn vốn, kinh phí hỗ trợ cho các xã nông thôn mới phải kịp thời. Chính phủ cần quan tâm tới việc bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm người nông dân làm ra. Mục đích của Chương trình là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; vì vậy, cần quan tâm hơn nữa đến người cao tuổi, các gia đình chính sách và người có công cũng như các hộ cận nghèo.
Với Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ông Trần Văn Tặng đề xuất, Chính phủ cần quan tâm, thực hiện quy hoạch vùng, cần có chính sách từng vùng miền trên cơ sở nghiên cứu thổ nhưỡng. Mỗi vùng với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu riêng sẽ phù hợp với từng đối tượng sản xuất riêng. Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách phù hợp để khuyến khích trồng rừng đối với người dân miền núi; quan tâm hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của học sinh và giáo viên khu vực miền núi.
Theo bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, các ý kiến đại biểu Quốc hội đúng với thực tiễn vướng mắc các địa phương gặp phải trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn như: Một số văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành Trung ương đối với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao chưa phù hợp; cần ban hành cơ chế phân quyền cho các địa phương thực hiện chương trình; sửa đổi và ban hành các bộ tiêu chí; quan tâm đến cán bộ làm nông thôn mới; tăng cường chỉ đạo các địa phương giải ngân vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; cho phép kéo dài nguồn vốn đầu tư…
Đối với các bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, Hải Dương đề nghị cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số chỉ tiêu, tiêu chí trong các bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao (như: bộ tiêu chí về y tế, bộ tiêu chí về thông tin và truyền thông, bộ tiêu chí quy hoạch). Trong đó, về y tế, cần sửa đổi chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa; tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử. Hải Dương đề nghị cần xem xét điều chỉnh tiêu chí 13 về hợp tác xã để phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Đến nay, tỉnh Hải Dương đã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đã có 43 xã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao, 4 xã được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Văn phòng Điều phối nông thôn mới thuộc Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025 đang tích cực rà soát, thẩm định đối với các xã đã đăng ký để công nhận thêm các xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.