Tại hội nghị, các đại biểu tham gia ý kiến tập trung vào một số nội dung về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên (Điều 8); đào tạo nghề công chứng (Điều 9); tập sự hành nghề công chứng (Điều 10); những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên (Điều 12)... của Luật Công chứng (sửa đổi).
Đối với Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các đại biểu tập trung làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8); danh sách, hình thức và tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung di sản văn hóa phi vật thể (Điều 11); người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích (Điều 31); tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng (Điều )...
Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên Trần Tất Đạt cho rằng, sau gần 10 năm thực hiện Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chức đã dần đi vào ổn định, nề nếp, nhất là việc xã hội hóa hoạt động công chứng được xã hội đánh giá cao; số lượng, chất lượng các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Luật Công chứng năm 2014 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần thay đổi kịp thời như: trình tự, thủ tục công chứng còn nhiều điểm không phù hợp; hoạt động công chứng chưa bắt kịp được với trình độ phát triển công nghệ thông tin; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên còn một số điểm chưa phù hợp...
Đơn cử như, Khoản 3, Điều 8 dự thảo Luật quy định về một số tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên là "Có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật, thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật". So với quy định hiện nay thì tiêu chuẩn này đã giảm 2 năm (Luật hiện hành quy định là 5 năm). Tuy nhiên, theo ông Trần Tất Đạt, đây là quy định mâu thuẫn với mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Luật là nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của công chứng viên, lấy công chứng viên là trung tâm như tờ trình dự thảo Luật. Bên cạnh đó, do tính chất công việc đặc thù của một công chứng viên được ví như "thẩm phán phòng ngừa" nên cần những người có trình độ pháp luật chuyên sâu. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo giữ nguyên quy định tiêu chuẩn về thời gian công tác pháp luật là 5 năm như quy định hiện hành...
Góp ý vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên Đào Mạnh Huân đề nghị xem xét bổ sung quy định về khoảng cách tối thiểu đảm bảo an toàn cho di tích để làm cơ sở hướng dẫn trong quá trình lập, thẩm định, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội (Điều 28). Ông Đào Mạnh Huân đề nghị bổ sung thẩm quyền chấp nhận việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật đối với di tích thuộc danh mục kiểm kê, cụ thể chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích thuộc danh mục kiểm kê (Điều 30); xem xét bổ sung quy định về việc giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích cho người đại diện được giao quản lý, sử dụng di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, di sản thế giới năm trên địa bàn từ 2 địa phương trở lên (Điều 31)...
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời sẽ thảo luận và xem xét trên cơ sở pháp lý quan trọng để đóng góp ý kiến về các dự án luật tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.