Tại buổi tiếp xúc, cử tri thành phố Đà Nẵng đã bày tỏ sự ủng hộ, đánh giá cao các kết quả đạt được sau Kỳ họp thứ 7. Nhiều cử tri kỳ vọng, Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng mới được Quốc hội thông qua sẽ giúp thành phố phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới.
Theo cử tri Nguyễn Thanh Ngọc (phường Tân Chính, quận Thanh Khê), sau COVID-19, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thực tế vẫn còn khó khăn. Lĩnh vực du lịch - dịch vụ chưa hoàn toàn khôi phục, công nghiệp đang chững lại, thu ngân sách chật vật, số doanh nghiệp hình thành mới ít hơn số tạm dừng hoạt động. Quốc hội đã thông qua các cơ chế, chính sách mới để phát triển thành phố Đà Nẵng; trong đó, thí điểm triển khai nhiều lĩnh vực mới như: trung tâm tài chính, trung tâm logistics, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khu thương mại tự do... Đây là những lĩnh vực tiềm năng nhưng còn rất mới, cần nghiên cứu, triển khai lâu dài. Cử tri mong muốn, lãnh đạo thành phố xây dựng và triển khai cả những kế hoạch ngắn hạn và lâu dài; trong đó chú trọng vào hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, các cử tri cũng cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua diễn ra quyết liệt, không có vùng cấm, ngoại lệ, góp phần mang lại niềm tin cho cử tri cả nước. Tuy nhiên, cử tri Nguyễn Hiền Minh (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) cho rằng, những năm qua, nhiều cán bộ thuộc Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, vi phạm pháp luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Cử tri kiến nghị, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tư cách cán bộ, hạn chế thấp nhất các trường hợp cán bộ vi phạm quy định, vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, cử tri kiến nghị kiểm soát giá cả hàng hóa sau khi tăng lương cơ bản từ 1/7/2024; sớm tháo gỡ các vướng mắc của thành phố Đà Nẵng trong thực hiện các kết luận thanh tra, bản án các dự án trước đây; kiểm soát chặt chẽ những trào lưu do các youtuber, tiktoker tạo ra trên mạng trong thời gian qua…
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, trong Nghị quyết mới vừa được Quốc hội thông qua có 2 nội dung lớn, gồm: việc cho phép thành phố Đà Nẵng tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cho phép thí điểm 30 cơ chế chính sách đặc thù trong vòng 5 năm. Đây là những nội dung lớn và quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong thời gian tới.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, các chính sách hoàn toàn mới do thành phố Đà Nẵng đề xuất đã được Quốc hội đánh giá rất cao. Đó là, thí điểm Khu thương mại tự do, thực hiện việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội khi xây dựng dự án logistics, phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo…
Bên cạnh việc triển khai những chính sách mới, đối với những vấn đề hiện tại, thành phố Đà Nẵng vẫn tiếp tục định hướng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững, kinh tế tri thức gắn với du lịch dịch vụ chất lượng cao… để vừa phát triển bền vững, vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Xem xét bố trí thêm nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết
Ngày 2/7, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp tại trụ sở Hội đồng Nhân dân tỉnh và trực tuyến kết nối đến 10 huyện, thành phố trên địa bàn để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành về các vấn đề như: xem xét bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội ở các địa phương; quan tâm đầu tư xây dựng mở rộng bề mặt đê hữu Hồng dài 15,1 km và tuyến đê tả Đào dài 14,3 km đi qua 9 xã, thị trấn huyện Nam Trực...
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh đã ghi nhận, tiếp thu, đánh giá cao, đồng thời trao đổi, làm rõ những kiến nghị của cử tri. Theo đó, thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục quan tâm, giám sát việc chuyển tải và kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri; đảm bảo các ý kiến được giải quyết kịp thời, đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của cử tri và nhân dân.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đề nghị các cấp, ngành tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình thực tiễn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những khó khăn phát huy những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Quan tâm đến vấn đề môi trường, an sinh xã hội
Ngày 2/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri nhằm thông báo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và kết quả trả lời kiến nghị của cử tri phản ánh tại cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng các đại biểu Quốc hội khu vực tỉnh Bắc Ninh; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và hơn 2.000 đại biểu tại điểm cầu Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc và các điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố.
Qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7 tại 8 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bắc Ninh, cử tri trong tỉnh có 55 lượt ý kiến, kiến nghị. Các ý kiến phát biểu có nhiều nội dung đã được giải trình, làm rõ ngay tại Hội nghị; các nội dung còn lại được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, phân loại với tổng số 42 kiến nghị (trong đó có 9 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương, 33 kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương). Các kiến nghị được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.
Cử tri tỉnh Bắc Ninh nhất trí cao với kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đồng thời kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết một số vấn đề như: Quan tâm nhà ở cho người có công; nâng mức hỗ trợ phụ cấp cho giáo viên mầm non; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm về công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, xây dựng đô thị; nâng cao công tác quản lý đất đai; đẩy mạnh bảo tồn, phát triển nghề làm gốm Phù Lãng; quan tâm hỗ trợ chế độ hoạt động Hội Người Cao tuổi cấp xã...
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh cho biết, hiện nay, tỉnh có hơn 1.800 gia đình người có công với cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở; trong đó có hơn 1.300 hộ cần xây mới và gần 500 hộ cần sửa chữa. Tuy nhiên, Chính phủ chưa có hướng dẫn, phê duyệt đề án hỗ trợ theo quy định tại Điều 102, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó có nội dung quy định mức hỗ trợ để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Do đó, ngành đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn về đối tượng người có công có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được thụ hưởng chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Ngọc đề nghị UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền tiếp tục bổ sung chỉ tiêu biên chế viên chức giáo viên bậc mầm non cho các địa phương, tăng tỷ lệ phần trăm đứng lớp với giáo viên mầm non. Quốc hội, Trung ương không thực hiện sáp nhập các đơn vị sự nghiệp giáo dục đối với các tỉnh có quy mô số lớp, số học sinh tăng nhanh, chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã...
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn thông tin nhanh tới cử tri về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua với nhiều tín hiệu khởi sắc.
Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh yêu cầu các sở, ngành trực tiếp giải đáp, làm rõ một số ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền. Ngành Nội vụ tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo rà soát, bổ sung số lượng biên chế của ngành. Với vấn đề phát triển làng nghề gốm Phù Lãng, tỉnh đã triển khai đề án Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025 với sản phẩm gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ); làng nghề tranh Đông Hồ tại phường Song Hồ (thị xã Thuận Thành); làng quan họ Viêm Xá tại phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh)... Đối với những đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp trên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương xem xét, giải quyết theo quy định.