Cử tri Ninh Thuận kiến nghị giải quyết 'điểm nghẽn' để đẩy mạnh phát triển KT-XH

Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội về các nội dung, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, sáng 27/10, nhiều cử tri và người dân tại Ninh Thuận bày tỏ tán thành với nội dung phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp sáng 27/10/2022 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cử tri đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cử tri tỉnh Ninh Thuận cũng tin tưởng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ cùng nỗ lực của các cấp, ngành giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Song Mã cho biết, việc ban hành kịp thời và triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã mở ra hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, với tỉnh còn nhiều khó khăn như Ninh Thuận, các doanh nghiệp phần lớn quy mô vừa và nhỏ, cử tri, doanh nghiệp địa phương kiến nghị, Chính phủ xem xét ban hành, sửa đổi chính sách phù hợp thực tế hơn để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn thuận lợi hơn; đồng thời giảm lãi suất vay và cung cấp gói tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ sức vực dậy sau đại dịch COVID-19. Cùng với đó, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, có cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo về quỹ vốn, tư vấn kinh nghiệm, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; xây dựng khu, cụm công nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho thanh niên, người lao động địa phương.

Cử tri Ninh Thuận tán thành với ý kiến của đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan làm rõ trách nhiệm quản lý, điều hành nguồn cung xăng dầu và giá bán; phân tích nguyên nhân, có giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng nhiều cửa hàng xăng, dầu đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán ra thời gian qua làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước nói chung, ở tỉnh nói riêng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh, đồng thời đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh bổ sung quy định cho thương nhân bán lẻ xăng dầu được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ với hai thương nhân phân phối xăng dầu. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân bán lẻ chủ động khai thác nguồn cung, không bị phụ thuộc chỉ vào một thương nhân phân phối như theo quy định hiện nay. Sở đã làm việc, tập hợp ý kiến doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương sớm xem xét, chỉ đạo thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cùng chia sẻ quyền lợi một cách chính đáng, có tỷ lệ chiết khấu hợp lý đối với đơn vị bán lẻ. Ngoài ra, kiến nghị cơ quan thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu giảm lãi suất cho vay, giảm thuế ít nhất một năm cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để bù khoản lỗ thời gian qua.

Các ý kiến của đại biểu phát biểu trước Quốc hội về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, đảm bảo an sinh xã hội nhận được sự quan tâm lớn của cử tri Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận chia sẻ, qua theo dõi truyền hình trực tiếp các buổi họp và phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội, ông rất đồng tình với đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm, giải pháp thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2022 và giải pháp để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mà Chính phủ đã đề ra.

“Trong thời gian qua, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện tốt chức năng đào tạo, cung cấp nguồn lao động trực tiếp phục vụ sản xuất, dịch vụ, góp phần giải quyết “điểm nghẽn” về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội cần quan tâm hơn về chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cần có những chính sách về tiền lương, chế độ đãi ngộ phù hợp để giữ chân nhà giáo, thu hút những người giỏi tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Có như vậy, chất lượng đào tạo mới được nâng lên, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Nguyễn Phan Anh Quốc kiến nghị.

Cử tri, nhân dân tỉnh Ninh Thuận rất đồng tình với các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra tại nghị trường về ứng phó biến đổi khí hậu, trồng rừng và liên kết hệ sinh thái, lộ trình điều chỉnh tăng lương, quản lý thị trường giá cả hàng hóa, khai thác nguồn lực đất đai, gỡ “thẻ vàng” cảnh báo của Ủy ban châu Âu EC đối với thủy sản Việt Nam… Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có giải pháp thực hiện kịp thời, hiệu quả với quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Nguyễn Thành (TTXVN)
Làm rõ những tồn tại trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội
Làm rõ những tồn tại trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 27/10, theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách. Tham gia thảo luận, một số đại biểu bày tỏ sự phấn khởi trước kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua của năm 2022, đồng thời nêu ra một số kiến nghị để Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xem xét nhằm hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ cả năm, đề ra phương hướng năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN