Theo ông Nguyễn Hữu Cần, 70 tuổi, cán bộ hưu trí, trú ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội năm 2019 và các tháng đầu năm 2020 là toàn diện, đầy đủ và sát với tình hình thực tế của đất nước. Các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề sát với tình hình thực tế của đất nước hiện nay.
Theo ông Cần, người dân cả nước đang có niềm tin rất lớn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là thành công trong việc chủ động, quyết liệt ứng phó và đẩy lùi dịch COVID-19. Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng khiến tình hình kinh tế, xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn.
Để khôi phục kinh tế, Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án lớn, dự án trọng điểm; đồng thời Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương tập trung, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch. Cùng với đó là thực hiện thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm, chống lãng phí; có những chính sách sách kịp thời như giảm, giãn thuế, vay vốn ưu đãi… đối với các doanh nghiệp, để khôi phục sản xuất.
Chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc các cấp, cần giám sát chặt chẽ việc chi trả tiền hỗ trợ, cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 để việc chi trả đúng người, đúng số tiền, tránh tình trạng trục lợi từ chính sách này.
Còn theo cử tri Nguyễn Đức Thuận, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, vào thời điểm này Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, tăng cường giám sát, kiểm soát giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng giá trong thời gian vừa qua; trong đó có giá thịt lợn và một số loại thực phẩm khác. Trong bối cảnh dịch COVID-19 nhiều gia đình gặp khó khăn, thu nhập bị giảm sút do không có hoặc có ít việc làm; giá cả một số mặt hàng thiết yếu lại tăng cao, đời sống của người dân gặp khó khăn. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, cần ưu tiên thực hiện các chính sách khôi phục sản xuất, gắn với giải quyết việc làm cho người dân.
Bày tỏ sự tin tưởng vào tư duy, định hướng của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, cử tri Phạm Văn Lương, khu đô thị Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng những giải pháp mà Chính phủ ban hành trong thời gian qua để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID -19 mang tính tổng thể và quyết liệt, chuyển sang trạng thái mới cho nền kinh tê, chống dịch nhưng vẫn giữ được tăng trưởng, tạo niềm tin cho người dân về một tương lai tích cực, sáng sủa hơn.
Đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ trong việc phòng chống đại dịch COVID-19, cử tri Đỗ Toản, tòa nhà CT3 - Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) mong muốn Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả như trong phòng, chống dịch để sớm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Nhất trí cao với báo cáo về tinh hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, cử tri Đỗ Toản cũng nhất trí với việc Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Cử tri Quốc Huy, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai tin tưởng rằng từ những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 13/6, Chính phủ sẽ có những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình mới. Cử tri Quốc Huy cũng đề xuất rằng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Chính phủ cần xem xét miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID - 19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Cử tri An Giang mong đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19
Phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội trong ngày 13/6 về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng; đặc biệt là tiến độ giải ngân gói an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; các giải pháp phòng, chống dịch cũng như phục hồi kinh tế trong thời gian tới; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng …
Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về những thành công trong công tác chống dịch, ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, cho rằng những giải pháp mà Chính phủ ban hành trong thời gian qua để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 là kịp thời, quyết liệt và mang tính nhân văn, nhận được sự đồng thuận của xã hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gói an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ nhằm đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, nhất là đối với đối tượng người lao động, người sử dụng lao động và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vẫn còn quá nhiều thủ tục hành chính "gây khó" cho cả cơ quan nhà nước và phía người được hỗ trợ. Điều này dẫn đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ diễn ra chậm. Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ "nút thắt" này để những người gặp khó khăn sớm được hỗ trợ để giải quyết nhu cầu thiết yếu trong đời sống sau dịch COVID-19.
Đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19, anh Trần Phúc Thành, Giám đốc cửa hàng trang trí nội thất Phúc Thành Việt tại (phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên), mong muốn chính quyền địa phương, ngành thuế cần xem xét, sớm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.
Ông Thành cho rằng đối với các doanh nghiệp, hộ có đăng ký kinh doanh đang hoạt động, hàng tháng kê khai nộp thuế, đóng góp cho Nhà nước thì địa phương nên xem xét “tự động” hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh theo tỉ lệ quy định chung tại cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc hóa đơn tiền điện, nước,.. Không nên để doanh nghiệp thực hiện kê khai thiệt hại rồi xin hỗ trợ gây tốn kém thời gian, phiền hà trong khi doanh nghiệp cần được hỗ trợ sớm để phục hồi sản xuất, tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ của Chính phủ.