Quan tâm, đầu tư cho nghệ thuật truyền thống
Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Ro (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho rằng, trong xã hội hiện đại, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Ông Ro cho rằng, để phát triển phong trào tập luyện, biểu diễn nghệ thuật chèo ở cơ sở nói riêng và lưu giữ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống nói chung cần quan tâm xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân cho những thành viên ở các đội chèo, nhóm chèo ở cơ sở. Điều này thể hiện sự ghi nhận của xã hội trước cống hiến của những người thầm lặng gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.
Về chế độ chính sách cho nghệ nhân, ông Ro cho biết, tỉnh Thái Bình đang thực hiện chế độ chính sách đặc thù với các nghệ sĩ, nghệ nhân có nhiều cống hiến trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND. Đây là quan tâm thiết thực của địa phương với những nghệ nhân trên địa bàn. Tuy vậy, về lâu dài, để bảo tồn được nghệ thuật truyền thống, Chính phủ cần có chính sách toàn diện để thu hút nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt quan tâm đến thu hút thế hệ trẻ trong việc lưu giữ nghệ thuật truyền thống, hướng đến đào tạo, phát triển loại hình nghệ thuật đỉnh cao.
Cũng quan tâm việc lưu giữ nghệ thuật truyền thống, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng cho biết, tại địa phương, việc triển khai Đề án Sân khấu truyền hình từ cuối năm 2019 đã tạo đà quan trọng để các đoàn nghệ thuật nói chung, Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng nói riêng, có thêm nguồn lực xây dựng các vở diễn quy mô, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng khắt khe của khán giả, nhất là khán giả ở lứa tuổi thiếu nhi.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ, khi chưa có Đề án Sân khấu truyền hình, mỗi năm Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng vẫn xây dựng từ 1 - 2 vở diễn, song do kinh phí dành cho mỗi vở diễn thấp nên quy mô và sự lan tỏa của vở diễn chỉ ở mức vừa phải. Đề án Sân khấu truyền hình đã thổi một luồng gió mới cho nghệ thuật Múa rối.
Nguồn lực từ Đề án đã giúp Đoàn có điều kiện đầu tư cho sân khấu, đáp ứng nhu cầu của thiếu nhi. Hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, sự chuyển động của các nhân vật Rối đã tạo nên không gian kỳ ảo, thu hút các em theo dõi vở diễn. Nguồn lực từ Đề án cũng giúp Đoàn mời các ê kíp nổi tiếng của quốc gia đến dàn dựng các vở. Khi các diễn viên của đoàn làm việc cùng những chuyên gia hàng đầu, năng lực sáng tạo cũng nhân lên. Tất cả điều này đã tạo nên một sắc thái mới, đưa nghệ thuật Múa rối lan tỏa và chinh phục khán giả Hải Phòng hiệu quả hơn.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã dành nhiều quan tâm cho các đoàn nghệ thuật, từ cơ chế chính sách đến tài chính. Lãnh đạo Đoàn cũng luôn tìm tòi, sáng tạo để đưa các vở diễn phục vụ đông đảo khán giả, tạo thêm nguồn thu để các nghệ sĩ, diễn viên, người lao động tại Đoàn yên tâm công tác. Tuy nhiên, đời sống của các nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực này còn khó khăn.
Tại Nhà hát Múa rối Hải Phòng, phần lớn các diễn viên phải làm thêm công việc khác để trang trải cuộc sống hàng ngày. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ và địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư để có nguồn lực giúp các nghệ sĩ, diễn viên phát huy hết tài năng sáng tạo, sống được bằng nghề, trọn vẹn cống hiến để đưa tới khán giả các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng.
Cùng chia sẻ về các nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị của các bộ môn nghệ thuật truyền thống, chị Trần Thị Hằng, Giáo viên Trường Tiểu học Dư Hàng, quận Lê Chân cho biết, trong dịp Lễ hội Hoa Phượng đỏ, người dân Hải Phòng có cơ hội đặc biệt được xem nhiều buổi biểu diễn đa dạng loại hình nghệ thuật truyền thống thông qua các liên hoan toàn quốc như Liên hoan Nghệ thuật Múa rối, Liên hoan Đờn ca tài tử hay Chương trình trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh. Các tiết mục dàn dựng công phu, đặc sắc, sinh động rất cuốn hút người xem, đặc biệt là thiếu nhi. Chị Trần Thị Hằng mong muốn, thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục có những chính sách phát triển tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, bởi họ chính là những “ngọn lửa” gìn giữ, truyền tải những giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc.
Định hướng giáo dục nghề nghiệp cho vận động viên
Quan tâm về vấn đề chế độ chính sách đối với vận động viên, cử tri Hoàng Thị Lan Phương (phường Quang Trung, thành phố Thái Bình) cho rằng, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích phát triển thể thao, nhất là thể thao thành tích cao, song vấn đề giải quyết việc làm cho vận động viên sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu vẫn còn nhiều bất cập. Thực tế tuổi trung bình trong sự nghiệp thi đấu chỉ kéo dài khoảng 10 - 15 năm, phần lớn vận động viên kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi 26 - 32. Sau thời gian cống hiến rồi chia tay thể thao, chỉ số ít vận động viên có điều kiện đi học, chuyển đổi nghề nghiệp hoặc giữ vị trí huấn luyện viên và các công việc liên quan đến thể thao, còn lại phần lớn phải tìm kiếm công việc mưu sinh và gần như họ lại phải làm lại từ đầu. Đây là trăn trở của nhiều vận động viên, khiến họ chưa thể yên tâm cống hiến.
Với tâm tư của phụ huynh có con đang trong đội tuyển bóng đá thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao tỉnh Thái Bình, cử tri Hoàng Thị Lan Phương cho rằng, quá trình tổ chức tuyển chọn và đào tạo vận động viên trẻ đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với thể thao thành tích cao. Quá trình này kéo dài từ 7 - 10 năm tùy thuộc vào từng môn thể thao, từ tuổi nhi đồng đến hết tuổi thiếu niên. Vì vậy, bên cạnh chính sách chung dành cho vận động viên, mỗi địa phương cần có chính sách đặc thù, quan tâm hơn nữa tới vận động viên trẻ, nhất là các em trong độ tuổi học sinh; đồng thời sớm có định hướng giáo dục nghề nghiệp, góp phần giải quyết bài toán việc làm sau khi vận động viên từ giã sự nghiệp thể thao.