Lưu giữ di sản dân tộc
Sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh thành lập và chỉ định người đứng đầu Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Ngày 4/9/1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 102/CP thành lập Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng (tiền thân của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước). Đây là một dấu mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của hệ thống tổ chức lưu trữ nhà nước, là cơ quan đầu ngành giúp Chính phủ quản lý tập trung thống nhất công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ quốc gia trong phạm vi cả nước.
Theo yêu cầu tinh giản bộ máy Nhà nước và giảm đầu mối các cơ quan trực thuộc, năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã giao cho Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) trực tiếp quản lý Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Cục là trực tiếp quản lý tài liệu lưu trữ có ý nghĩa quốc gia.
Tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một phần của văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Hiện nay, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang bảo quản hơn 33.000 mét giá tài liệu có ý nghĩa quốc gia với khoảng 1.000 phông/sưu tập tài liệu, được viết bằng các ngôn ngữ Hán - Nôm, Pháp, Việt… trên các vật mang tin bằng giấy, mộc bản, phim ảnh, ghi âm...
Những tài liệu này được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu ở Việt Nam từ thế kỷ XV cho đến ngày nay; trong đó có 2 Di sản tư liệu thế giới “Mộc bản triều Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn” và Bảo vật quốc gia “Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946”. Đây là di sản của dân tộc, là nguồn sử liệu chính xác, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Mỏ vàng văn hóa
Được ví như “mỏ vàng văn hóa” của dân tộc, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III có nhiệm vụ bảo quản an toàn và tổ chức khai thác sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức Trung ương, các cá nhân tiêu biểu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Tài liệu bảo quản tại Trung tâm phong phú và đa dạng về loại hình và nội dung. Với gần 14.000 mét giá tài liệu của gần 400 phông tài liệu khác nhau gồm: Tài liệu hành chính, tài liệu khoa học kỹ thuật, tài liệu cá nhân gia đình dòng họ, tài liệu nghe nhìn, phản ánh đầy đủ và sinh động công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về cuộc kháng chiến anh dũng và thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta chống các thế lực ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đáng chú ý, nơi đây lưu giữ nhiều tài liệu về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên ngày 06/01/1946, tài liệu về quá trình soạn thảo Hiến pháp, quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, tổ chức bộ máy nhà nước, hồ sơ về các kỳ họp của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có hồ sơ về kỳ họp đầu tiên Khóa thứ nhất của Quốc hội và hồ sơ về Hội nghị Hiệp thương Chính trị thống nhất tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1975…
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm là những tài liệu gốc, chính bản, trong đó có nhiều bản viết tay hoặc có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước khác.
Cùng với những tài liệu hình thành từ cơ quan nhà nước, tài liệu có xuất xứ cá nhân, gia đình, dòng họ là những tài liệu được hình thành trong quá trình sống và hoạt động sáng tác của các cá nhân. Đặc biệt trong số các sưu tập tài liệu của các cá nhân phải kể đến khối tài liệu ảnh của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, các mẫu vẽ quốc huy, huân huy chương, tem, tiền của cố họa sỹ Bùi Trang Chước.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cũng lưu giữ hơn 12 vạn hồ sơ cá nhân cùng một số kỷ vật của các cán bộ đi B trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, là những minh chứng quan trọng, không những giúp cho các cán bộ đi B, thân nhân của họ và các cơ quan liên quan có bằng chứng pháp lý quan trọng để giải quyết các chế độ, chính sách đối với người có công, mà còn là những kỷ vật về một thời chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc của các thế hệ tiền bối.
Chuyển đổi từ lưu trữ truyền thống sang lưu trữ số
Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản tư liệu mang hồn cốt của dân tộc, bởi trong đó chứa đựng các giá trị thông tin, giá trị về lịch sử, chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cũng như về mọi mặt đời sống của dân tộc. Đó là bằng chứng lịch sử quý giá chứa đựng những thông tin xác thực về nhiều vấn đề, sự kiện thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phản ánh thành tựu sáng tạo của nhân dân qua các thời kỳ, góp phần xác lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Những tài liệu đã phục vụ các cơ quan chức năng nghiên cứu về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp những bằng chứng pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và phục vụ công tác nghiên cứu. Chỉ khi người dân có thể tiếp cận những giá trị đó một cách đơn giản, thuận tiện nhất thì giá trị của tài liệu lưu trữ mới thực sự phát huy được đúng theo ý nghĩa của nó.
Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, ngành Lưu trữ đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ, bảo quản an toàn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia mà Đảng, Nhà nước giao phó, không ngừng nỗ lực đưa tài liệu lưu trữ phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu khai thác, sử dụng của các cơ quan, đơn vị và nhân dân. Hàng nghìn hồ sơ với gần một triệu trang tài liệu, tư liệu và hình ảnh lưu trữ đã được công bố thông qua hoạt động xuất bản hơn 100 ấn phẩm lưu trữ; tổ chức hơn 100 trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ ở trong nước và nước ngoài; xây dựng hơn 20 phim tài liệu và gần 300 clip, viết hơn 2.500 bài giới thiệu về tài liệu lưu trữ. Số lượng ấn phẩm, trưng bày, triển lãm, phim, bài viết công bố giới thiệu tài liệu lưu trữ ngày càng tăng; nội dung công bố ngày càng phong phú, đa dạng hơn.
Từ năm 2012 đến năm 2019, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia đã phục vụ gần 26 nghìn lượt độc giả trong và ngoài nước với hơn 245 nghìn hồ sơ, tài liệu; cấp bản sao, chứng thực hơn 702 nghìn trang tài liệu lưu trữ; đón hơn 234 nghìn lượt khách đến tham quan khu trưng bày tài liệu lưu trữ.
Trong bối cảnh đổi mới quản trị quốc gia và sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện cải cách hành chính về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số hiện nay, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ đáp ứng yêu cầu tiếp cận, khai thác thông tin của người dân.
Toàn ngành đang trong quá trình chuyển đổi từ lưu trữ truyền thống sang lưu trữ số, từ lưu trữ tài liệu sang lưu trữ dữ liệu. Để chuẩn bị cho sự chuyển đổi này, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ xây dựng Luật Lưu trữ sửa đổi, trong đó có nội dung quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử; đồng thời tập trung xây dựng dự án Lưu trữ tài liệu điện tử Phông Lưu trữ Nhà nước Việt Nam để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, cơ quan, tổ chức và thực hiện đúng với ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là tài liệu chứng cứ phải thực sự góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.