Chuyến thăm Bỉ diễn ra trong bối cảnh hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm Đối tác chiến lược về nông nghiệp vào năm 2023.
Mối quan hệ hữu nghị, truyền thống phát triển tích cực, đa dạng và thực chất
Trong lịch sử mối quan hệ hữu nghị và truyền thống Việt Nam - Bỉ, hai nước luôn dành cho nhau những tình cảm chân thành và sự giúp đỡ quý báu. Kể từ khi thiết lập quan hệ vào ngày 22/3/1973 đến nay, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam - Bỉ luôn phát triển không ngừng. Bỉ luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam và là một đối tác quốc tế đóng góp tích cực vào sự thành công của Việt Nam qua chương trình hợp tác phát triển. Hai bên phối hợp tích cực trên diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ ASEM, ASEAN-EU.
Quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Bỉ triển tích cực, đa dạng và thực chất ở cả cấp liên bang và cấp vùng, cộng đồng, thể hiện qua nhiều chuyến thăm cấp cao, gần đây có chuyến thăm Bỉ của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (tháng 9/2017); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức (tháng 10/2018); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, làm việc (tháng 3/2019); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm trực tuyến với Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (ngày 25/8/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, làm việc (tháng 9/2021)… Phía Bỉ có các chuyến thăm Việt Nam của Quốc Vụ khanh Ngoại thương Pieter de Crem (tháng 10/2017); Tổng Thư ký các vấn đề ngoại giao và các vấn đề Châu Âu Dirk Achten (tháng 11/2017); Bộ trưởng Nông nghiệp Denis Ducarme (tháng 2/2018); Thủ hiến Vùng Flanders Geert Bourgeois (tháng 5/2018); Thủ hiến Wallonie-Bruxelles Pierre-Yves Jeholet (tháng 10/2022)...
Việt Nam và Bỉ có cơ chế tham vấn chính trị định kỳ cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (bắt đầu từ tháng 10/2013). Đến nay, hai bên đã tiến hành được 4 kỳ tham vấn luân phiên tại Việt Nam và Bỉ (vào năm 2013, 2015, 2017, 2022). Kỳ họp thứ 4 (hoãn từ tháng 11/2019) đã tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2022 (kết hợp với họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Bỉ về Hợp tác Kinh tế lần thứ 6).
Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế là cơ chế trao đổi cấp Chính phủ về các lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bỉ, được thiết lập năm 2011 theo thỏa thuận giữa hai Thủ tướng nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Bỉ Yves Leterme (năm 2009), họp định kỳ 2 năm và luân phiên tại Hà Nội và Bruxelles. Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế lần 5 đã được tổ chức vào ngày 6/11/2019 tại Bỉ; lần 6 được tổ chức vào ngày 15/11/2022 tại Việt Nam, do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Song phương Jereon Cooreman chủ trì.
Ngoài ra, hai nước cũng tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEM, Pháp ngữ, ASEAN-EU… và thống nhất phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu trong thời gian tới.
Quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư không ngừng phát triển
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Bỉ phát triển nhanh chóng và ngày càng được tăng cường. Bỉ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU (sau Hà Lan, Đức, Pháp, Italy, Áo), trong khi năm 2021 Việt Nam là nhà nhập khẩu lớn thứ 15 ngoài EU của Bỉ.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng nhanh, từ 1,8 tỷ USD năm 2013, lên gần 2,8 tỷ USD vào năm 2020, trong đó Việt Nam xuất siêu hơn 2,3 tỷ USD. Năm 2021, thương mại hai chiều đã tăng mạnh lên đến 53,8% so với năm 2020, đạt 4,29 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 55,7% so với năm 2020, đạt 3,6 tỷ USD; nhập khẩu tăng hơn 44,7%, đạt 5,5 triệu USD. Trong 10 tháng năm 2022, thương mại hai chiều đạt 4,0 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ hơn 3,4 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022, nhập khẩu đạt 622,8 triệu USD.
Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước hiện không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau. Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu khác, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam do hàng hóa từ Việt Nam được vào Bỉ để đưa sang các nước Tây Âu khác (cảng Antwerp của Bỉ là một trong những hải cảng trung chuyển hàng hóa lớn ở châu Âu). Quan hệ giữa các tổ chức kinh tế trung ương, địa phương, ngành của Việt Nam với 3 vùng Wallonie, Flanders và Bruxelles cũng luôn được tăng cường và mở rộng.
Hai nước đang tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Bỉ cũng là nước sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Những yếu tố này đã tạo xung lực quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU cũng như giữa hai nước Việt Nam - Bỉ về kinh tế và chiến lược.
Về đầu tư, hai nước đã ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư vào ngày 24/1/1991. Tính đến tháng 10/2022, Vương quốc Bỉ có 82 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 6/24 quốc gia thành viên EU có đầu tư tại Việt Nam. FDI của Bỉ chủ yếu vào các lĩnh vực cấp nước và xử lý rác thải với 2 dự án có tổng vốn 409 triệu USD, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 3 dự án có tổng vốn đầu tư 372 triệu USD, chiếm 33,9% tổng vốn đầu tư; đứng thứ ba là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 25 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 229,8 triệu USD, chiếm 20,9% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực khác như dịch vụ lưu trú, sản xuất phân phối điện, khí nước điều hòa, nông lâm nghiệp, thủy sản...
Ở chiều ngược lại, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam mới đầu tư sang Vương Quốc Bỉ 4 dự án với tổng vốn đầu tư 12,6 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Về hợp tác phát triển, quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Bỉ bắt đầu từ năm 1977, bị gián đoạn từ năm 1979 đến 1989, và chính thức được nối lại năm 1992. Hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ được thực hiện qua nhiều kênh: Chính phủ liên bang, các Cộng đồng, các Vùng thông qua các tổ chức như Văn phòng Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ Kỹ thuật vùng Flamand (VVOB), Hội đồng liên trường đại học vùng Flamand (VLIR), Tổ chức Khuyến học và Đào tạo tại nước ngoài (APEFE), cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGOs)...
Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2018, Bỉ cắt hoàn toàn viện trợ không hoàn lại với Việt Nam. Sau thời điểm này, Bỉ tiếp tục hợp tác theo hướng phát triển thông qua gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ Bỉ (FinExpo) nhằm hỗ trợ xuất khẩu dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Công ty đầu tư tài chính Bỉ cho các nước đang phát triển (BIO). Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/2/2021, Bộ Tài chính và Đại sứ quán Bỉ đã ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về quản lý và sử dụng tín dụng ưu đãi (FinExpo) của Chính phủ Bỉ tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, từ năm 2003, Chính phủ Bỉ cấp trung bình mỗi năm 40 suất học bổng đào tạo sau đại học cho sinh viên Việt Nam, trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như cầu cảng, môi trường, du lịch… Hàng năm Bỉ viện trợ cho lĩnh vực giáo dục-đào tạo thông qua các chương trình hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu khoảng 2 triệu euro. Ngoài ra, nhiều dự án về ngôn ngữ, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực… đã được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác với các chính quyền Vùng và Cộng đồng.
Việt Nam có quan hệ hợp tác tích cực với cả các vùng, cộng đồng của Bỉ như với Wallonie-Bruxelles theo hình thức tài trợ dạng cung cấp các suất học bổng, hợp tác nghiên cứu, học thuật giữa các trường đại học và cộng đồng Flanders thông qua hợp tác với Tổ chức VVOB - giáo dục vì Sự phát triển của Bỉ trong các chương trình/dự án.
Giao lưu văn hóa, trao đổi các đoàn nghệ thuật, tổ chức triển lãm, tuần lễ phim được tổ chức thường xuyên tại cả Việt Nam và Bỉ cũng như tại các Vùng và địa phương của Bỉ. Vì đặc thù văn hóa của Bỉ, các hoạt động văn hóa giữa Việt Nam và Bỉ rất đa dạng về hình thức, tùy theo ngôn ngữ tại nơi triển khai.
Cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ có khoảng 13.000 người, đa phần là lao động tự do, kinh tế trung bình, nghề kinh doanh chủ yếu là nhà hàng, tiệm ăn. Trong đó có khoảng trên 100 gia đình kinh doanh buôn bán có vốn khá. Tri thức có khoảng 600-700 người, phần lớn là sinh viên du học từ những năm 1960-1970 ở lại…
Tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Bỉ
Với bề dày gần nửa thế kỷ, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bỉ sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg Nguyễn Văn Thảo, trong chuyến thăm Bỉ của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này, hai nước sẽ tổ chức một số hoạt động tập trung vào chuyên đề nông nghiệp. Đại sứ cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản rất lớn ở khu vực và Bỉ cũng là một cường quốc xuất khẩu nông nghiệp. Nhưng một điều rất đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam và Bỉ không cạnh tranh mà lại mang tính bổ trợ cho nhau. Bỉ có nền nông nghiệp sinh thái công nghệ cao, hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam.
Trong chuyến thăm lần này, một số thỏa thuận hợp tác sẽ được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm như: dự án hợp tác giữa Bến Tre với tập đoàn của Bỉ để sản xuất than hoạt tính từ sản phẩm của cây dừa; thành lập trung tâm logistic và kho lạnh phục vụ xuất khẩu nông sản của Việt Nam giữa Cần Thơ và doanh nghiệp của Bỉ… Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng sẽ trao đổi hợp tác về các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao, trong đó có hợp tác về chất bán dẫn; cơ sở hạ tầng, logistics và năng lượng tái tạo.
Với các thỏa thuận xoay quanh nhiều chuyên đề hợp tác thiết thực, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định, chắc chắn chuyến thăm lần của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo ra một động lực mới cho phát triển hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ.
Trong khi đó, theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, ông Karl Van Den Bossche, chuyến thăm Bỉ chính thức lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là một sự kiện quan trọng, diễn ra trong bối cảnh hai nước sắp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (22/3/1973-22/3/2023) và 5 năm ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược về nông nghiệp (2018-2023).
Đại sứ cho rằng, chuyến thăm sẽ góp phần củng cố mối quan hệ Việt Nam-Bỉ thêm nồng ấm và định hướng quan hệ song phương trong giai đoạn tiếp theo. Trong chuyến thăm này, hai nước thống nhất làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược về nông nghiệp. Bỉ đang xem xét hỗ trợ Việt Nam đổi mới công nghệ, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, chế biến, làm mát và vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu. Đại sứ khẳng định “đã đến lúc hai nước tăng cường hợp tác các lĩnh vực khác ngoài quan hệ Đối tác chiến lược về nông nghiệp”. Ngoài ra, Đại sứ Karl Van Den Bossche cho biết quan hệ hai nước không chỉ dừng lại ở cấp độ song phương. Bỉ mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác để có tiếng nói chung tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, nhất là tại Hội đồng Nhân quyền-nơi hai nước cùng là thành viên nhiệm kỳ 2023-2025.