Dự Hội thảo có đại diện Thành ủy, lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Huỳnh Thành Lập, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động tiếp theo nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (1972 - 2022), nhằm làm rõ và sâu sắc hơn mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Ấn Độ trong quá trình phát triển của mỗi nước, góp phần cho công tác hoạch định chiến lược, chính sách và kế hoạch hợp tác quốc tế, ngoại giao nhân dân giữa hai nước trong thời gian tới đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận các chủ đề về tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh của Việt Nam và Ấn Độ trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia; trao đổi phương hướng, tiềm năng hợp tác sâu rộng giữa hai nước trong thời gian tới, nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ truyền thống lâu đời nâng lên một tầm cao mới và thực chất hơn nữa.
Các tham luận được trình bày trực tiếp và trực tuyến tại Hội thảo khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ đã có từ lâu đời, khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu lịch sử về thương mại, tôn giáo, văn hóa. Hơn 50 năm qua, đặc biệt từ khi nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên các lĩnh vực, góp phần thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Nhìn lại hơn 50 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Nam Tiến (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972 đến Đối tác chiến lược vào năm 2007, Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển, tạo động lực mạnh mẽ cho sự hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước.
Mối quan hệ giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của hai nước dày công vun đắp, phát triển bằng những chuyến trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao giữa hai nước và những cam kết, thực hiện việc thúc đẩy quan hệ song phương, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và quốc tế. Việt Nam là trụ cột quan trọng trong Chính sách Hành động hướng Đông, là đối tác quan trọng trong tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Việt Nam cũng xác định Ấn Độ là một trong những đối tác quốc tế quan trọng khi xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Quan hệ hai nước đang có những bước phát triển tích cực trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của hai nước, góp phần đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi nước.
Theo bà Đồng Thị Thùy Linh, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội việt Nam), quan hệ thương mại và đầu tư được coi là một trong những trụ cột chính của quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ và liên tục tăng trưởng ổn định qua từng năm trong suốt hơn mười năm qua. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Nam Á và là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam tại châu Á. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong khối ASEAN.
Tính đến hết năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 13,2 tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu 20 tỷ USD trong thời gian tới. Ấn Độ là nhà đầu tư nước ngoài xếp hạng thứ 27 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với hơn 300 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1 tỷ USD.
Các đại biểu cũng tập trung trao đổi ý kiến về tiềm năng, cơ hội và thách thức cũng như các giải pháp trong thời gian tới nhằm thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, khoa học - kỹ thuật và ngoại giao nhân dân.