Bộ quy tắc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đề cập đến nội dung cuốn sách, Tiến sỹ Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, cho rằng đây chính là bản tổng kết ra những quy tắc cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Cuốn sách cũng chỉ ra những quan điểm xuyên suốt của công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực: “Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu áp lực của bất cứ cá nhân nào". Công cuộc đấu tranh này không làm đơn độc mà phải gắn liền với chống tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Cuốn sách chỉ ra mục đích của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm “xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” như chính tiêu đề của tác phẩm. Như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi bế mạc Đại hội XIII là: "Đại hội chỉ là mở đầu, còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội".
Tiến sỹ Phạm Huy Thông nhấn mạnh: Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được rất nhiều kết quả đáng trân trọng, nhưng để hiệu quả hơn cần giảm thiểu những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ mà chuyển sang cổ phần vì tham nhũng chủ yếu xảy ra ở khu vực Nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, cần biểu dương, khen thưởng các nhà báo, các cơ quan báo chí đã góp phần điều tra, phát hiện các vụ tham nhũng, tiêu cực.
Tâm đắc nhất với một trong những bài viết của cuốn sách, Tiến sỹ Phạm Huy Thông chia sẻ, phát biểu của Tổng Bí thư tại Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng năm 2020. Nội dung phát biểu đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Trong phát biểu, Tổng Bí thư nêu rõ: "Vừa qua chúng ta đã làm rất nhiều việc, từ công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được đẩy mạnh, kỷ luật nghiêm minh, công khai nhiều cán bộ sai phạm, cả cán bộ cấp cao, cán bộ đương chức, nghỉ hưu, cả cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng, không loại trừ ai. Nhưng trong khi làm, chúng ta vẫn có ý thức bảo vệ cán bộ và mang tính nhân văn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn".
Một số phát biểu của Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, đấu tranh đi liền với phòng ngừa và quan trọng hơn cần có cơ chế ngăn chặn tham nhũng sinh sôi. Đi đôi với tập trung chỉ đạo công tác xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cũng được đầu tư, từng bước để cán bộ không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng.
Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Thạc sỹ Bùi Kim Đồng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trên cơ sở tổng kết, phân tích sâu thực tiễn và lý luận về bản chất của tham nhũng, tiêu cực, nhận diện hành vi, biểu hiện và hệ quả, cuốn sách đã chỉ rõ tính chất khó khăn, phức tạp của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cuốn sách phản ánh chân thực, sâu sắc tư tưởng kiên định, nhất quán và xuyên suốt của Tổng Bí thư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong Đảng là nhiệm vụ chính trị có tính chất sống còn, hàng đầu và cần thiết. Đồng thời, cuốn sách cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để rút ra kinh nghiệm, tổng kết những bài học sâu sắc trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Thạc sỹ Bùi Kim Đồng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, quyết định sự tồn vong của chế độ, an ninh quốc gia, bảo vệ tổ quốc, sự phồn vinh của dân tộc, sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Nhiệm vụ này phải phù hợp với từng thời kỳ, bối cảnh xã hội trong nước và quốc tế. Vấn đề này vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn trong việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vấn đề này cũng có ý nghĩa sống còn đối với vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và đối với lợi ích của nhân dân, thực hiện tốt hơn nữa mối quan hệ mật thiết với nhân dân, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút được sự đồng tình, ủng hộ, cũng như những mong muốn của nhân dân.
Để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thạc sỹ Bùi Kim Đồng cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần triển khai liên tục, quyết liệt, không ngừng nghỉ; tiếp tục phát huy vai trò làm chủ và giám sát của nhân dân. Đồng thời, áp dụng các giải pháp phòng ngừa, kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải công khai, minh bạch, cải cách hành chính mạnh, coi trọng kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; xử lý nghiêm sai phạm, quyết liệt hơn.