Cựu chuyên gia quân sự của Cuba và những hồi ức về Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Cuba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao Huân chương Hữu nghị cho 5 cựu chuyên gia quân sự từng giúp đỡ quân dân ta trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao Huân chương Hữu nghị cho các quân nhân Cuba thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

Nhân sự kiện này, phóng viên TTXVN thường trú tại Cuba đã có cuộc gặp với đồng chí Antonio Martí Cespedes, 1 trong 5 nhân chứng lịch sử này.
        
Cựu chuyên gia quân sự Antonio Martí Cespedes tiếp đón chúng tôi tại nhà riêng, trong một căn hộ chung cư xinh xắn nằm không quá xa trung tâm thủ đô La Habana. Với vóc người tầm thước so với một người Cuba, nhưng rất chắc chắn, nhanh nhẹn, khỏe mạnh như một người trung niên, khó có thể tưởng tượng ông đã bước vào độ tuổi mà ở Việt Nam vẫn thường gọi là “thất thập cổ lai hy”. Với sự thân thiện và niềm nở đặc trưng của người Cuba, đặc biệt là khi tiếp xúc với người Việt Nam, ông nhanh chóng bắt đầu kể cho chúng tôi về thời gian sống và công tác tại đất nước của Bác Hồ.
        
Cựu chuyên gia quân sự Antonio Martí Cespedes kể lại: “Vào khoảng giữa năm 1966, tôi mới 20 tuổi và công tác trong một đơn vị quân đội đặc nhiệm. Khi đó đơn vị của tôi tuy nhỏ, nhưng rất đoàn kết và huấn luyện công phu để sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ, mà chúng tôi thường nói đùa rằng có thể làm cả “nhạc sĩ, nhà thơ lẫn anh hùng”. Trong một cuộc họp đơn vị bình thường, tôi và đồng đội Mackenzie được đội trưởng phân công chuẩn bị riêng cùng ông lên đường làm nhiệm vụ mới. Chúng tôi không thắc mắc gì vì đó là việc tương đối bình thường trong đơn vị, nhưng tới hôm sau chúng tôi được biết rằng nhiệm vụ lần này sẽ là tại Việt Nam xa xôi”.
        
Do khoảng cách địa lý, điều kiện đi lại khó khăn thời đó và đảm bảo tính bí mật, hành trình của nhóm 3 chuyên gia quân sự này, mà về sau được bổ sung thêm 2 người, bao gồm cả đường không và đường bộ qua Liên Xô và Trung Quốc với thời gian lưu lại mỗi nơi tới cả tháng trước khi đặt chân tới Hà Nội vào tháng 8/1966.
        
Cựu chuyên gia quân sự Antonio Martí Cespedes hào hứng chia sẻ: “Chúng tôi biết rằng mình sẽ tới một đất nước đang hứng chịu chiến tranh và sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống. Chúng tôi luôn vui đùa vì đó là cách tốt nhất để đối mặt với hiểm nguy. Một lần, khi vẫn đang ở Liên Xô, đội trưởng và tôi đã làm báo động giả khiến Mackenzie đang ngủ phải bật tung dậy để kiếm nơi trú ẩn còn chúng tôi lăn ra cười. Một lần khác, khi đã ở Việt Nam, tôi buộc dây giày của đội trưởng vào chân giường khiến ông phải chạy xuống hầm trú ẩn bằng chân đất khi có báo động máy bay ném bom và la lối tôi. Nhưng tất cả những trò đùa đó của tôi đều được tha thứ dễ dàng, có thể là vì tôi là người trẻ nhất nhóm”.

        
Dù thời gian thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tại Việt Nam chỉ kéo dài gần 1 năm, nhưng vì biết chụp ảnh nên ông Antonio lưu giữ được khá nhiều hình ảnh về khoảng thời gian này. Số ảnh trên được ông giữ rất cẩn thận và thường chỉ xem lại bản sao trên giấy trắng để giữ gìn những hình ảnh gốc. 

Lần giở lại những hình ảnh này, ông khiến chúng tôi kinh ngạc vì sự minh mẫn của ông khi miêu tả chi tiết những kỷ niệm đã diễn ra cách đây tới hơn nửa thế kỷ: từ các trận ném bom của máy bay Mỹ, từng người đồng đội cả Việt Nam lẫn Cuba đã ngã xuống, những lúc giải lao với các đồng đội Việt Nam...

Trong những kỷ niệm này còn có cả cảm xúc khi ghi lại hình ảnh của một em nhỏ khoảng 10 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ phải tự mưu sinh bằng nghề chài lưới; kỷ niệm khó quên khi ngủ nhầm trong nghĩa trang sau một ngày hành quân tập luyện thực địa và trong đêm tối đen cả đơn vị ngả lưng ngay khi tìm thấy chỗ ngay ngắn, cỏ phẳng nhất trong cả vùng, hay cả một lần “tẽn tò” khi một người lính tinh nhuệ khỏe mạnh của Cuba lại loạng choạng khi vác trên vai chiếc đòn gánh gạo của một người phụ nữ thôn quê Việt Nam nhỏ bé do không biết bước đi theo đúng nhịp lên xuống của chiếc đòn gánh.
 
Cựu chuyên gia quân sự Antonio Martí Cespedes tâm sự: “Trong thời gian sống tại Việt Nam, tôi chủ yếu sống với những đồng đội, chiến sĩ mà chúng tôi giúp huấn luyện. Qua họ tôi thấy những người Việt Nam và Cuba chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng, đó là tinh thần đấu tranh, tình đoàn kết trong gian khó và tính nhân văn. Người Việt Nam còn học hỏi rất nhanh. 

Tôi nhớ một lần nhóm chúng tôi bị một chú sóc nhỏ trêu đùa khi hàng đêm nó ăn vụng vọc tôm mà các đồng đội Việt Nam dành cho chúng tôi. Đội trưởng của chúng tôi sau cùng cũng nghĩ ra một loại bẫy để bắt sống chú sóc. Khi những người đồng đội Việt Nam của chúng tôi nhìn thấy loại bẫy này, họ ngắm nghía và trầm trồ rằng chưa bao giờ thấy một loại bẫy như vậy. Ngay ngày hôm sau, họ sang mời chúng tôi ăn cơm và thật ngạc nhiên khi trên mâm đầy sóc nướng. Thì ra chỉ cần nhìn qua, họ đã học được cách làm bẫy và đặt chúng khắp khu đồi ”.
 
Ngoài ảnh, những kỷ vật mà ông Antonio mang về từ Việt Nam không nhiều, vì để đảm bảo bí mật, đơn vị của ông phải bỏ lại mọi thiết bị liên quan tới công tác chuyên môn tại Việt Nam. Tuy nhiên, những đồ vật này được ông cất giữ rất cẩn thận và khi chúng tôi đề nghị ông lấy ra cho xem, ông nâng niu lấy ra từng thứ: một chiếc bình nhỏ làm bằng vỏ bom Mỹ, một bức tượng nhỏ hình con trâu, một chiếc nhẫn thép có khắc kỷ niệm ngày chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam 5/8. Nổi bật nhất trong số này là một tấm thiệp mừng xuân 1967 đề tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bài thơ chúc Tết trong năm đó của Người. Điều khó tin nổi là dù đã trải qua hơn 5 thập kỷ, tấm thiếp vẫn gần như mới nguyên, không mang dấu vết đáng kể nào của thời gian.
 
Cựu chuyên gia quân sự Antonio Martí Cespedes chia sẻ: “Đây là tấm thiếp tôi được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng trong lần gặp Người vào đầu năm 1967 khi Bác Hồ như các bạn vẫn gọi, tiếp nhóm chuyên gia quân sự Cuba. Đó là cuộc gặp ngắn nhưng vô cùng đáng nhớ. Tôi còn nhớ rõ từng vị trí ngồi, những lời động viên thăm hỏi của Bác và sau đó chúng tôi hoàn toàn bất ngờ vì sự quan tâm chân thành của Người. Khi ấy, Bác có chú ý tới câu trả lời của đội trưởng chúng tôi, người đã 51 tuổi nhưng vẫn chưa có con. Chúng tôi không thể ngờ rằng vài tháng sau khi lên đường về nước, Bác gửi tặng riêng cho đội trưởng của chúng tôi một rương đầy các bình rượu tắc kè với lời nhắn nhủ rằng đó là bài thuốc dân gian để chữa bệnh hiếm muộn”.
  
Với những đóng góp của mình, ông Antonio Martí Cespedes cùng 4 đồng chí, đồng đội khác của mình, mà tới nay 2 người đã đi xa, đã được tặng thưởng Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp cho sự nghiệp Kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta, Huy hiệu chiến thắng 5-8 của Quân đội nhân dân Việt Nam ngay trước khi lên đường trở về nước. Nhưng rất tiếc, do yêu cầu bảo mật của thời chiến và của đặc thù công tác, nhóm chuyên gia Cuba chỉ được thông báo những tin vui này mà chưa được nhận những bằng khen thưởng trên.
  
Ở tuổi 72, ông Antonio Martí Cespedes vẫn là giảng viên tại trường Đại học Khoa học Thể dục thể thao Manuel Fajardo của Cuba và vẫn hàng ngày trực tiếp hướng dẫn và thực hành cùng các bài tập thể chất cường độ cao cho các học viên. Cuộc đời ông đầy ắp những vận động và kỷ niệm, nhưng dường như không gì có thể che lấp những dấu ấn trong khoảng thời gian không quá dài và đã rất lâu mà đất nước Việt Nam để lại trong ông.
  
Dù cách nhau nửa vòng trái đất, tình hữu nghị mẫu mực, thủy chung, son sắt giữa 2 dân tộc Việt Nam và Cuba đã trở nên đặc biệt vì được khơi nguồn và dẫn dắt bởi những vĩ nhân thời đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ cách mạng Fidel Castro (Phi-đen Ca-xtơ-rô). Và tình hữu nghị ấy cũng trở nên đặc biệt nhờ những con người bình dị như ông Antonio Martí Cespedes, người luôn trân trọng gìn giữ những hình ảnh và kỷ niệm về Việt Nam không chỉ ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình, mà cả trong tâm trí và trái tim.

Lê Hà- Lê Hiền (P/v TTXVN tại Cuba)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Viết tiếp những trang mới của quan hệ Việt Nam – Cuba
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Viết tiếp những trang mới của quan hệ Việt Nam – Cuba

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa Cuba, trưa 29/3 (giờ địa phương), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự bế mạc cuộc gặp thế hệ trẻ Việt Nam – Cuba và trao Huân chương Hữu nghị tặng các cựu chuyên gia quân sự Cuba.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN