Ngày 3/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội, trả lời những nội dung về công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, những năm qua công tác cải cách hành chính được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao. Kết quả thực hiện các chỉ số cải cách hành chính của thành phố có bước chuyển biến tích cực, được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá cao.
Sở Nội vụ được giao chủ trì 3 nội dung trong Chỉ số cải cách hành chính, là Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Ba chỉ số này năm 2023 đã tăng, giữ hạng, cải thiện điểm, bảo đảm các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong đó cải cách hành chính tiếp tục giữ ở vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số SIPAS tăng 9 bậc so với năm 2022; Chỉ số PAPI tiếp tục ở nhóm 1, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố, đặc biệt là vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ thành phố đề ra.
Tuy nhiên, Chỉ số PAPI có giảm thứ hạng. Về nguyên nhân, trách nhiệm Chỉ số PAPI giảm thứ hạng là do có các trục nội dung giảm điểm so với năm 2022 (Chỉ số thành phần về chỉ số quản trị môi trường giảm 3 bậc; Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công giảm 10 bậc; thủ tục hành chính công giảm 19 bậc). Các nội dung giảm điểm tùy từng lĩnh vực thuộc trách nhiệm của ngành Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện; các cơ quan chủ trì tham mưu ngành Nội chính, cơ quan tổ chức có cá nhân, tập thể vi phạm, kỷ luật; các cơ quan tham mưu trong giải quyết thủ tục hành chính; các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì và một số UBND quận, huyện và sở, ban, ngành...
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, do phần lớn nội dung Chỉ số PAPI có liên quan chặt chẽ với nhiều vấn đề đời sống dân sinh ở cấp cơ sở nên thuộc trách nhiệm của UBND cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, nên đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở và gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động hơn trong công tác này.
Đáng chú ý, băn khoăn về trình độ cán bộ, công chức của Thủ đô các cấp không thấp hơn các tỉnh khác, vậy tại sao một số chỉ số thấp so với các tỉnh, thành phố, đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ đại biểu huyện Mê Linh) đặt câu hỏi: “Thành phố có chương trình đào tạo hay chỉ số gì đánh giá về cán bộ, công chức không những làm việc bằng tri thức mà còn “làm việc bằng trái tim” hay không?”.
Trả lời về nội dung đại biểu nêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố đã họp, phân tích kỹ 6 chỉ số; yêu cầu đánh giá từng chỉ số, lý do tại sao lại có những chỉ số giảm. Quan điểm chỉ đạo của thành phố là phải đo lường, đo đếm được kết quả cụ thể, hướng tới không phải chỉ cuối năm mới đo đếm xác định chỉ số mà từng chỉ số thành phần có thể đo đếm được theo tuần, theo tháng. Cách làm này của thành phố để từng đơn vị, sở ngành, địa phương nhìn thấy mình đang đứng ở đâu, so sánh với các đơn vị khác để phấn đấu. Cùng với đó, thành phố rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành; ban hành quy chế, quy trình, đặc biệt là quy trình liên thông, chuyển đổi số...
Liên quan đến tinh thần “làm việc bằng trái tim”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết thêm, thành phố hiện xác định phương châm làm việc “3 nguyên tắc, 7 phấn đấu”. Theo đó, nguyên tắc làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng phải luôn luôn lắng nghe để hoàn thiện hoặc đề xuất sửa đổi. Ông Hà Minh Hải nhấn mạnh: "Nếu chúng ta làm bằng tinh thần phục vụ, bằng trái tim thì chắc chắn hiệu quả, chất lượng công việc, đặc biệt là niềm tin, sự ghi nhận của người dân với hệ thống sẽ rất tốt".
Phó Chủ tịch UBND thành Phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết thêm, thời gian tới, cùng với những nhiệm vụ thường xuyên khác, với tinh thần cầu thị, thái độ nghiêm túc, UBND thành phố xác định 3 nguyên tắc xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Cụ thể, thành phố tiếp tục bám sát, nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, quản trị hiện đại, khắc phục hạn chế đã được chỉ ra;...
Thành phố cũng tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân công, phân cấp, ủy quyền trong xử lý công việc gắn với cá thể hóa trách nhiệm nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; đề cao trách nhiệm cá nhân, tính nêu gương, tính chủ động, đổi mới sáng tạo của thành viên UBND thành phố, của người đứng đầu các địa phương, đơn vị. Đặc biệt, UBND thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy xử lý thay thế ngay các trường hợp vi phạm, không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là không có tinh thần thái độ, tâm thế phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi mặt của công tác chỉ đạo điều hành; tiếp tục rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả ứng dụng Công dân Thủ đô số iHaNoi, thiết lập kênh tương tác theo thời gian thực giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền để mọi kiến nghị phản ánh của người dân và doanh nghiệp được lắng nghe kịp thời và xử lý nhanh, thuận tiện, hiệu quả nhất.