Kinh tế - xã hội (KT-XH) trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Đây là những đánh giá của một số đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ sáng 24/10 khi đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024.
Nhiều đại biểu cho rằng KT-XH nước ta tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Năm 2023 gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng cần đánh giá kỹ hơn bởi nền kinh tế nước ta là nền kinh tế mở, nhất là những năm cuối của nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Mặc dù tình hình thế giới bất ổn nhưng ở trong nước, kinh tế nước ta cũng có những điểm sáng nhờ có sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các dự án giao thông có hiệu lực lan tỏa, góp phần nâng cao việc giải ngân vốn đầu tư công tăng lên; nông nghiệp phát triển tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; đặc biệt lĩnh vực đối ngoại là điểm sáng trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới tạo điều kiện, môi trường thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt nam có nhiều khởi sắc.
Tuy hiên vẫn còn 5/15 chỉ tiêu của năm 2023 không đạt được như mong muốn nhưng chúng ta vẫn kiên trì trong việc điều hành ổn định kinh tế vĩ mô. Dư địa tín dụng không nhiều nhưng cần có sự giám sát, điều chỉnh linh hoạt để dòng tín dụng vào đời sống KT-XH; Kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa…
Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong bối cảnh từ năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của các địa phương, nhân dân… tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; trong đó chỉ đạo giảm liên tiếp 4 lần lãi suất điều hành; miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất .
Đồng thời, Chính phủ cũng đã thường xuyên chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sác; thành lập 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình thực tiễn, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn, động viên, khích lệ kịp thời.
Mặc dù vẫn còn chỉ tiêu chưa đạt được, tuy nhiên đặt trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, biến động, những kết quả đạt được là đáng ghi nhận; thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao của Chính phủ thời gian vừa qua.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai bày tỏ trăn trở về việc làm sao tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để đất nước phát triển, KT-XH, đời sống của nhân dân, người lao động được nâng lên.
Kỳ họp Quốc hội diễn ra trong bối cảnh nền KT-XH vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Qua tiếp xúc cử tri và đi khảo sát thực tế ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số, có thể thấy vẫn còn những điều người dân và cử tri băn khoăn. Đó là, đời sống của người nghèo, của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vẫn khó khăn trong khi việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn không ít vướng mắc.
Theo đại biểu Đinh Ngọc Quý, để đạt được mục tiêu này thì hệ thống luật pháp, chính sách phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển, củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực tháo gỡ, Quốc hội đã chủ động, tích cực giám sát, đồng hành, thúc đẩy việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng để đạt hiệu quả thực sự đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn nữa từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền cơ sở và cả người dân.
Từ đó, đại biểu Đinh Ngọc Quý mong muốn, Quốc hội sẽ có những quyết sách phù hợp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để thực sự thúc đẩy được việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cả về tiến độ và chất lượng, hiệu quả của từng chương trình, từng dự án, hạng mục thành phần, từ đó hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho sự phát triển KT-XH của các địa phương và nâng cao đời sống của người dân.
Trong phiên họp tổ sáng 24/10, Quốc hội thảo luận đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển KT-XH năm 2021 - 2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.