Chia sẻ trước Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh, cho rằng người dân vẫn cảm thấy chưa được an toàn trước dịch bệnh COVID-19. Lý do, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân là biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nó có nhiều đường lây so với các biến chủng virus trước đây.
“Chúng tôi cũng mong rằng tất cả các đại biểu Quốc hội trong hội trường này phải chấp hành một cách nghiêm túc nguyên tắc 5K. Bởi vì không chỉ trong khu cách ly mà tất cả các đoàn chúng tôi cũng rất lo lắng khi tiếp xúc với bên ngoài”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
Khi nêu ý kiến về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng trong Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá rất sát những bài học rút ra từ quá trình thực hiện các đoàn giám sát trong nhiệm kỳ qua.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị: Hiện nay dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, cho nên có khả năng gây khó khăn cho các đoàn giám sát trong thời gian tới. Do đó, khi thực hiện các đoàn giám sát đề nghị phải có những kịch bản do giãn cách, do khó khăn trong đi lại nên việc việc bố trí nhân sự tham gia các đoàn giám sát phải có nhân sự các địa phương, tức là danh sách đoàn giám sát phải là danh sách mở. Khi có việc ở địa phương này, đơn vị kia thì có thể phân công các đồng chí ở nơi đó, khu vực đó để thực hiện giám sát.
Khâu “hậu giám sát” cũng được đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng sau khi kiểm tra, giám sát xong rồi thì phần lớn các báo cáo hậu giám sát còn rất ít. “Thậm chí có những việc chúng tôi không biết sau khi giám sát xong rồi thì đơn vị đó, địa phương đó thực hiện những yêu cầu của đoàn giám sát như thế nào”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt câu hỏi và lưu ý khi triển khai giám sát năm 2022.
Trong 4 chuyên đề Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 đưa ra trong Tờ trình, đại biểu Trần Hoàng Ngân đều đồng tình. Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng trong thời gian vừa qua khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra hết sức khốc liệt và có thể sẽ tiếp tục tái đi, tái lại cho đến năm 2022. Có thể dịch diễn ra dài, kể cả khi các nước châu Âu hay Mỹ đã tiêm chủng rồi nhưng người dân vẫn mắc tái đi, tái lại. Do đó, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội quan tâm đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho người dân doanh nghiệp là rất quan trọng.
“Bên cạnh vấn đề thực hiện tốt công tác tiêm vaccine, thực hiện 5K thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Do đó tôi đề nghị Quốc hội cần có giám sát về gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp năm 2020 là 62.000 tỷ đồng và năm nay là 26.000 tỷ đồng xem các bộ, ngành, địa phương thực hiện ra sao”, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.
Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Cụ thể như sau: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung). Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung). Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 (dự kiến giao Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung). Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).