Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, đây là một phiên chất vấn lớn vì chúng ta nhìn lại tất cả những vấn đề đã trả lời chất vấn của các Tư lệnh ngành của 5 Kỳ họp trước đây, đồng thời cần phải chỉ ra một số định hướng mà các ngành cần phải triển khai trong thời gian tới.
Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Theo đại biểu đánh giá, chất lượng của phiên chất vấn khá tốt. Nội dung chất vấn đặt ra rất nhiều, số lượng đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cũng rất nhiều. Lĩnh vực nào cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, từ lĩnh vực : kinh tế tổng hợp, lkinh tế ngành, nội chính, tư pháp, lĩnh vực văn hóa, xã hội. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi nổi, thẳng thắn, trực diện, ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.
"Chúng ta cũng mong muốn, trong các phần trả lời của các Bộ trưởng, Trưởng ngành cần phải nêu ra các lộ trình giải quyết cụ thể hơn. Những vấn đề gì đã giải quyết được thì Bộ trưởng đã trả lời khá rõ, nhưng các vấn đề tồn tại nhiều năm cần giải quyết trong nhiều năm, nhiều tháng thì cần phải có lộ trình để chỉ rõ thêm thời gian đến kỳ sau, năm sau giải quyết được đến đâu. Hoặc có những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan, cần phải phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị để đến kỳ sau, khi kiểm điểm lại, chúng ta xem ai đã hoàn thành và ai chưa hoàn thành" - đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Cũng theo đại biểu, việc thực hiện lời hứa, cam kết của các Bộ trưởng, Trưởng ngành từ kỳ họp trước đến giai đoạn này đều đã chỉ rõ những gì đã làm được.
"Tất nhiên, chúng ta đều biết rằng, đây là những vấn đề lớn, không phải kỳ họp trước hay năm trước đưa ra lời hứa thì có thể thực hiện được toàn bộ. Vì có thể sẽ phải thực hiện thời gian dài hơn nữa. Tôi cho rằng, nếu như các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành chỉ ra thêm được lộ trình thì chúng ta sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn" - đại biểu nhấn mạnh.
Điều hành chất vấn của Chủ tịch Quốc hội rất linh hoạt, đặc biệt là bám rất sát không chỉ câu hỏi của các đại biểu Quốc hội mà còn có tính chất liên kết giữa câu hỏi của đại biểu về lĩnh vực của các ngành này với các ngành khác. Cho nên, Chủ tịch Quốc hội đã có sự điều chuyển các nội dung và yêu cầu các Bộ trưởng khác cùng trả lời bổ sung.
Bên cạnh đó, đối với những vấn đề đang diễn ra, ví dụ như Bộ trưởng nói về vướng mắc về thể chế, pháp lý, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra ngay tại sao qua 2 cuộc rà soát lại không phát hiện các vướng mắc đó. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã trả lời để làm rõ những giải pháp xử lý các vướng mắc về thể chế, pháp lý đó.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, phiên chất vấn tại Kỳ họp này không chỉ dừng lại ở các đại biểu Quốc hội mà chính ngay từ Chủ tịch Quốc hội cũng đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa như một người chất vấn cấp cao.
Phiên chất vấn cùng những nhân tố mới
Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) cho rằng, dưới sự điều hành linh hoạt, dân chủ, trí tuệ và sắc sảo của Chủ tọa, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra thành công, tốt đẹp, theo phương châm “hỏi nhanh – đáp gọn”, đáp ứng được sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước. Nhiều vấn đề “nóng” đã được mổ xẻ, làm rõ ngay tại nghị trường.
"Đặc biệt, với diễn biến thực tế của phiên chất vấn cùng những nhân tố mới rất hiếm khi xuất hiện, nếu không nói là lần đầu tiên tham gia làm rõ vấn đề tại phiên chất vấn là Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, đã một lần nữa khẳng định chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả của Quốc hội" - đại biểu nhấn mạnh.
Việc tái giám sát, chú trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, chất vấn đều chung một mục đích hướng tới là giúp Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra.
Đại biểu kỳ vọng các Bộ trưởng, Trưởng ngành với trách nhiệm của người đứng đầu có giải pháp thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ cũng như những nội dung đã “hứa” trên diễn đàn. Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội đó là “mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay, nhưng Quốc hội, cử tri và nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành”.
Qua theo dõi các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn, đại biểu Lý Thị Lan cho biết ấn tượng đối với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Nhiều cử tri cũng như các đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về trách nhiệm trong việc trình, triển khai các dự án giao thông; quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc; phân kỳ đầu tư đối với các dự án đường cao tốc; việc xây dựng trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc; việc huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng giao thông vận tải hàng không; nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Bộ Giao thông vận tải đối với vấn đề tai nạn giao thông; giải pháp tháo gỡ đối với các dự án BOT...
Liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư (PPP) cũng là chủ đề nhiều đại biểu quan tâm chất vấn và tranh luận. Trong bối cảnh tiềm lực ngân sách nước ta còn hạn chế thì nguồn lực của khu vực tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông. Vậy nhưng thời gian qua hầu như vắng bóng các dự án PPP trong lĩnh vực này, dù Luật PPP đã được ban hành với niềm hy vọng rằng, một khung pháp lý hoàn thiện sẽ giúp lấy lại niềm tin của người dân, sự hứng khởi của những nhà đầu tư trong nước và thêm hấp lực hút dòng đầu tư nước ngoài.
Trước vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã làm rõ những nguyên nhân và đưa ra giải pháp tháo gỡ. Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân như: kinh tế khó khăn, nguồn lực doanh nghiệp yếu, lợi nhuận không cao song rủi ro lớn, các dự án BOT vướng mắc chậm được xử lý làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư… Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng, phần vốn nhà nước tham gia trong một dự án tối đa là 50% chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Cũng vì thế, tại Kỳ họp này Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép nâng tỷ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước lên 70% trong một số dự án. Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chuẩn bị hoàn thiện các điều kiện để cùng các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua triển khai nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí.